Banner trang chủ

Kon Tum: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

16/12/2019

     Kon Tum là tỉnh miền núi, nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên như khí hậu, đất đai để phát triển phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, đặc biệt là ở 2 tiểu vùng khí hậu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Phát huy tiềm năng sẵn có, thời gian qua, Kon Tum đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) làm hạt nhân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là định hướng chiến lược đúng đắn, đồng thời cũng là xu thế tất yếu của một nền nông nghiệp sạch, hiệu quả cao và bền vững.

     Hiệu quả bước đầu

     Ngày 19/6/2016, HĐND tỉnh Kon Tum đã ký ban hành Quyết định số 64/2016/NQ-HĐND về Đề án nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 đạt từ 10% - 15% so với giá trị sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh, có ít nhất 5 vùng, 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, đạt 25% - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm.

     Sau 3 năm triển khai, Đề án đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Măng Đen với quy mô 170 ha, phục vụ công tác nghiên cứu và chọn giống để rút ra quy trình sản xuât tốt nhất chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân; hình thành một số cánh đồng lớn (Cánh đồng sản xuất mía CNC 30 ha tại xã Ia Chim, TP. Kon Tum; cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm 32 ha tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà; cánh đồng trồng ngô lấy thân 82,8 ha tại huyện Kon Plông…). Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với chế biến đã có chuyển biến tích cực, các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô hom để sản xuất một số giống cây trồng (chuối, dâu tây, các loại lan rừng, lan hồ điệp, địa lan, trúc phật bà…), các loại giống dược liệu (sâm dây, lan kim tuyến, đương quy...).

     Trong lĩnh vực giống thủy sản, một số doanh nghiệp đã tiếp nhận quy trình công nghệ ươm ấp cá giống nước ngọt để phục vụ sản xuất, qua đó cung cấp được nguồn giống có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đã có những bước tiến đáng kể, chọn tạo để đưa vào sản xuất các giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương như: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, lan kim tuyến, hoa cúc, đồng tiền, phong lan, địa lan, cây công nghiệp ngắn, dài ngày như mía, cà phê, chuối... Đối với chế biến các sản phẩm chủ lực, Sở KH&CN tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế phối hợp quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ; phê duyệt 2 dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Đăk Hà cho sản phẩm cà phê Đăk Hà”; Nhãn hiệu chứng nhận sâm “Ngọc Linh Kon Tum”.

     Về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đang xây dựng Đề án nông nghiệp hữu cơ (dự kiến ban hành trong quý IV/2019); xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (dự kiến liên kết nông dân với Công ty TNHH SXTMDV Hương Đất tổ chức sản xuất rau hữu cơ). Kết quả, bước đầu đã có Công ty TNHH SXTMDV Hương Đất tổ chức sản xuất được 1,8 ha rau các loại theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng 102 tấn/năm, sẽ tổ chức mở rộng khoảng 2 ha trong thời gian tới; Tập đoàn Vingroup - Công ty CP VinEco Kon Tum đang đầu tư xây dựng Dự án phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy mô 511,23 ha…

 

Sâm Ngọc Linh được ươm dưới tán rừng theo công nghệ mới

 

     Điều đáng mừng, hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp sạch của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được các siêu thị trong và ngoài tỉnh tiếp nhận, ký kết hợp đồng thường xuyên bao tiêu sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm cà chua Nhật Bản của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen và các loại dưa leo bao tử, cà chua Úc, các loại rau trồng theo công nghệ thủy canh của Công ty Việt Sáng-Vifram… cung cấp cho các siêu thị tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Một số doanh nghiệp chủ động kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị trong khu vực nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch khác được trồng và sản xuất tại Kon Tum đang được người tiêu dùng tin dùng. Đó chính là hiệu quả bước đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở tỉnh.

     Khuyến khích ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp

     Mặc dù việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC thích ứng với biến đổi khí hậu của Kon Tum đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, song thực tiễn cho thấy, muốn làm tốt nông nghiệp CNC thích ứng với biến đổi khí hậu cần nhiều yếu tố: Cơ chế, chính sách sát thực tế, khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia; vốn, đất, nguồn nhân lực, công nghệ... Tuy nhiên, trên thực tế, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã và đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất chưa cao; vốn đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC rất lớn, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn chế; nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp ở các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu về trình độ, tay nghề; việc xúc tiến thương mại, thị trường, thông tin, dịch vụ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa được quan tâm đúng mức…

     Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng công nghệ, đặc biệt là CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; xúc tiến phát triển các mô hình CNC, công nghệ hữu cơ trong nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt CNC, công nghệ hữu cơ; xây dựng chính sách thu hút, sử dụng nhân lực CNC trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao năng lực cán bộ hoạt động trong lĩnh vực KH&CN và sản xuất nông nghiệp CNC. Cụ thể:

     Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; thực hiện việc phân quyền, phân trách nhiệm cho các cấp, ngành, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực quản lý của ngành, đơn vị, địa phương;

     Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất; kiên quyết thu hồi diện tích đất đã giới thiệu thực hiện các dự án trên địa bàn nhưng nhà đầu tư chậm hoặc không triển khai thực hiện để thu hút các dự án tiềm năng. Đồng thời, rà soát, khảo sát diện tích đất nông nghiệp có diện tích lớn, thuận lợi, vận động dồn đổi, tích tụ đất để hình thành “cánh đồng lớn”, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh;

     Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao và ứng dụng CNC trong nông nghiệp, nhất là các khâu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia, như: Tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Tranh thủ sự trợ giúp của các nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tế sản xuất; xúc tiến, phát triển thương mại gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng liên kết chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

     Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Cùng với đó, tổ chức các đợt đi tham quan, học tập nghiên cứu mô hình về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại một số tỉnh, thành phố trong nước; Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm phát triển, nhân ra diện rộng các mô hình nông nghiệp CNC có hiệu quả bền vững…

 

Lê Thị Phương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn