Banner trang chủ

Công tác vận động cộng đồng và người dân thôn làng Pẳn (Bát Xát, Lào Cai) tham gia xây dựng thôn nông thôn mới

18/11/2019

     Quang Kim là xã biên giới của huyện Bát Xát, có đường biên giới dài 5,3 km tiếp giáp với Trung Quốc được ngăn cách bởi con Sông Hồng. Toàn xã có 1.610 hộ với 6.310 khẩu và 70% là người dân tộc thiểu số sinh sống ở 14 thôn bản. Thôn Làng Pẳn là một trong 09 thôn thuần nông của xã Quang Kim, toàn thôn có 162 hộ, 847 khẩu, 100% số hộ trong thôn là dân tộc Giáy; Nghề nghiệp chính của người dân trong thôn chiếm 90% là sản xuất nông nghiệp.

     Trước năm 2010, thực trạng thôn Làng Pẳn cực kỳ khó khăn. Số hộ nghèo của toàn thôn là 85 hộ, thu nhập đầu người chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người/năm, không có nhà ở kiên cố, đường làng, ngõ xóm, cống rãnh, hố phân, rác thải trong thôn bừa bãi, do vậy nhân dân trong xã gọi Làng Pẳn là Làng Bẩn; ý thức của nhân dân kém, việc chuyển đổi kinh tế chậm. Sau năm 2010, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã, sự tận tâm, tận lực của cán bộ thôn, sự đồng lòng của nhân dân trong thôn sau 10 năm nỗ lực thực hiện, thôn Làng Pẳn đến nay đã được UBND huyện Bát Xát công nhận đạt chuẩn thôn kiểu mẫu; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm, trong thôn không còn hộ đói, hộ nghèo, số hộ khá giàu chiếm trên 80%; Tỉ lệ nhà ở kiên cố đạt 95%; vệ sinh môi trường sạch sẽ; 100% các tuyến đường liên thôn, nội thôn, liên gia đã được cứng hóa. Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự cố gắng của cán bộ thôn, sự  đồng tình ủng hộ và sự vào cuộc của từng người dân trong thôn, cụ thể như sau:

 

Làng Pẳn 1 - thôn kiểu mẫu của xã NTM Quang Kim

 

     Về kinh tế: người dân trong thôn xác định muốn thực hiện nông thôn mới cần phải phát triển sản xuất để có thu nhập, nâng cao đời sống, nên khi ban công tác mặt trận thôn họp bàn các phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế để giúp nhân dân nâng cao thu nhập bà con đều tích cực tham gia, như chuyển sang trồng rau, màu, áp dụng công nghệ kỹ thuật, đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ ra thành phố và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để sản xuất mang lại hiệu quả các hộ thống nhất với thôn đề nghị xã mở các lớp tập huấn trồng rau an toàn, nuôi thủy sản, cấy lúa theo kỹ thuật cải tiến SRI, áp dụng sản xuất theo công nghệ kỹ thuật mới, do đó năng suất, sản lượng cao lên nhiều so với trồng lúa, ngô; sản phẩm lại bán được vì là doanh nghiệp, HTX đứng ra tiêu thụ, do vậy kinh tế của các hộ dân trong thôn đã tăng cao trong những năm gần đây.

     Đối với công tác vệ sinh môi trường nông thôn, đây là một nhiệm vụ khó khăn nhất đối với thôn, đòi hỏi mất nhiều thời gian để vận động nhân dân trong thôn thay đổi tập quán cũ. Trước khó khăn đó, Chi bộ, Ban công tác mặt trận thôn đã đứng ra đăng ký với xã làm điểm về vệ sinh môi trường, giao cho chi hội phụ nữ làm nòng cốt (Vì thôn xác định vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong việc sắp xếp, vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm); Thôn đề nghị xã cho các hộ có ý thức kém về vệ sinh môi trường đi học tập ở thôn khác sau đó về triển khai, lấy ngày thứ 7 là ngày vệ sinh môi trường của thôn, tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng chăm sóc hoa dọc đường, khơi thông cống rãnh, hố phân được đậy nắp và xử lý mùi hôi trước khi đem bón cho cây trồng.

     Bước đầu vận động nhân dân rất khó khăn, sau nhân dân đã quen thành nề nếp, coi việc vệ sinh chung là việc làm thường xuyên và bà con còn rất hào hứng tham gia, đến nay hoa dọc đường rực rỡ các màu , đường sạch ngõ sạch không có phân trâu bò thải ra đường, bệnh tật được đẩy lùi, môi trường sạch đẹp.

     Về văn hóa - an ninh trật tự, với sự nỗ lực của cán bộ thôn, sự thay đổi nhận thức theo hướng rất tích cực của nhân dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau phát trển kinh tế, bố mẹ, con cái trong gia đình cư xử đúng mực, tôn trọng, thương yêu nhau, do vậy thôn được chọn làm mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc” từ năm 2015 và được duy trì đến nay. Hàng năm thôn đều đạt thôn văn hóa, số hộ đạt gia đình văn hóa từ 93% trở lên. Tình hình an ninh trật tự trong thôn luôn được đảm bảo, giữ vững.

     Từ cái khó là không có tiền để xây nhà, nay bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bàn nhau làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, các hộ dân có của ăn, của để nên việc đầu tiên nhân dân muốn làm là xây dựng nhà ở (Vì theo quan niệm từ xưa có an cư mới lập nghiệp), bằng việc hỗ trợ nhau xây dựng nhà mới; nhà này đổi công cho nhà khác để bớt chi phí do vậy đến nay đã trong thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát, 95% số hộ có nhà xây kiên cố, trong thôn không còn hộ nghèo. Nết ăn ở sạch đẹp, đến người từ thành phố vào phải khen ngợi chưa nói là hộ người kinh ở trung tâm xã còn phải vào học tập. Như vậy người giáy Làng Pẳn ngày xưa bây giờ khác xa rồi, Làng Bẩn ngày xưa bây giờ thành làng sạch nhất xã.

 

Phạm Hồng Dương

Ý kiến của bạn