Banner trang chủ

Washington D.C nỗ lực phát triển theo hướng xanh hóa

06/11/2017

   Washington D.C là Thủ đô của Mỹ, phía Ðông giáp với Ðại Tây Dương và là một trong những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất nước Mỹ, với nhiều bảo tàng, đài kỷ niệm quốc gia và những kiến trúc độc đáo. Đặc biệt, năm 1994, Washington D.C đã được nhận Chứng nhận Công trình xanh LEED của Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC), với nhiều tòa nhà văn phòng, bệnh viện, trường học đáp ứng tiêu chuẩn bền vững về vật liệu xây dựng, sử dụng nước và năng lượng hiệu quả…, đóng góp cho sự phát triển theo hướng xanh hóa của TP.

Thủ đô Washington D.C, Mỹ

   Kiến trúc xanh

   Nằm giữa 2 tiểu bang Maryland và Virginia, Thủ đô Washington D.C có diện tích 184.824 km2, dân số 672.228 người (năm 2015). Năm 1791, Tổng thống George Washington giao thiết kế TP cho Pierre Charles L’Enfant, một kiến trúc sư người Pháp. Qua bàn tay thiết kế của Piere Charles L’Enfant, Thủ đô mang diện mạo giản đơn với kiến trúc cổ, dãy nhà biệt lập ẩn mình dưới những hàng cây xanh, cùng nhiều khoảng không gian trống, quang cảnh thoáng mát, tạo nên sự gần gũi, đưa con người đến gần với thiên nhiên.

   Đồng thời, Thủ đô Washington D.C có những quy định nghiêm ngặt về xây dựng xanh. Điều 1 trong Hiến pháp Mỹ quy định, Thủ đô phải là hình vuông, mỗi cạnh 16 km. Sau khi Tòa nhà Chung cư Cairo 12 tầng được xây dựng vào năm 1899, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật về chiều cao của nhà cao tầng vào năm 1910, trong đó tuyên bố không có tòa nhà nào được phép xây cao hơn Tòa Quốc hội Mỹ (88 m) và chiều cao của tòa nhà tối đa bằng chiều ngang của con đường trước mặt cộng thêm khoảng 6 m. Vì thế, những tòa nhà tại Washington D.C cao nhất khoảng 11-12 tầng.

   Bên cạnh đó, Washington D.C đã trồng nhiều cây xanh trong TP. Cây xanh không chỉ giúp lọc không khí, bụi bẩn và các khí độc hại như CO2, chúng còn là “cỗ máy điều hòa” không khí làm dịu bớt nhiệt độ đang ngày càng nóng lên do sự phát triển của dân số, các khu công nghiệp và phương tiện giao thông. Vì vậy, ở Washington D.C, hệ thống cây xanh được trồng dọc theo các tuyến đường và công viên. Phong trào trồng cây xanh trong TP đã từng được Tổng thống George Washington phát động và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Điều này giúp cho Washington D.C trở thành một trong những TP có diện tích phủ xanh lớn nhất thế giới, với khoản tiền đầu tư cho việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh lên tới 10 triệu USD/năm.

   Giao thông xanh

   Giao thông đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng đô thị theo hướng xanh và bền vững. Do đó, bên cạnh kiến trúc xanh, Washington D.C còn chú trọng phát triển giao thông xanh và xem đây là yếu tố quan trọng mang tính chiến lược để xanh hóa TP.

   Có thể nói, mặc dù, số lượng phương tiện ô tô lưu thông trên đường lớn song ở Washington D.C hầu như không có hiện tượng tắc đường. Đạt được kết quả trên, ngoài việc phân luồng và bố trí tuyến nhánh hiệu quả, còn do hệ thống xử phạt vi phạm nghiêm khắc. Ở Washington D.C, nếu vi phạm luật giao thông sẽ bị cảnh sát phạt khoảng 200 USD, lỗi vượt đèn đỏ là 380 USD, phát hiện cồn trong hơi thở có thể bị phạt đến hàng nghìn USD và bị truy tố trước tòa… Nhờ đó, ý thức chấp hành giao thông của người dân được nâng cao, hạn chế tắc đường, giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.

   Đặc biệt, ở Thủ đô Washington, trên các tuyến đường đều bố trí nhiều thùng rác và người dân phải bỏ rác vào thùng theo quy định. Ngoài ra, Washington D.C còn tăng cường các giải pháp phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo sức hút cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh, cung cấp dịch vụ vận tải. Đồng thời, TP cũng khuyến khích việc đầu tư phương tiện vận tải khối lượng lớn, sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt nhanh…

   Giảm phát thải khí nhà kính nhờ tận dụng năng lượng sạch

   Nước Mỹ nói chung và Thủ đô Washington D.C nói riêng đang nỗ lực để thực hiện minh chứng, việc giảm khí nhà kính không mâu thuẫn với phát triển kinh tế. Ngược lại, nó còn có thể gia tăng hiệu quả, nâng cao năng suất và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo. Đối với các doanh nghiệp, giảm khí thải không chỉ tốt cho môi trường mà còn tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho người tiêu dùng và đem lại lợi nhuận cho các cổ đông.

   Để giảm phát thải khí nhà kính, Thủ đô Washington D.C đặt ra mục tiêu cung cấp 50% lượng điện từ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện năng của TP. Mục tiêu này đã được nêu rõ trong Luật Tiêu chuẩn Tỷ lệ Điện năng tái tạo. Luật quy định tăng cường sản xuất điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối và nhiêt, trong đó, sản lượng điện năng mặt trời sẽ đóng góp 5%. Ngoài ra, Washington D.C còn hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, góp phần thực hiện mục tiêu vào năm 2032, TP sẽ cắt giảm 50% lượng khí thải các bon.

   Với nhiều giải pháp hữu hiệu, đến nay, Washington D.C là TP có nhiều dự án đạt Chứng nhận LEED nhất ở Mỹ. Nhiều trường học công lập như trường Trung học Brookland, trường Cấp 3 Dunbar và Trung học McKinley đã được nhận Chứng chỉ LEED Bạch kim. Ngoài ra, 19 công trình cơ sở hạ tầng khác cũng nhận được Chứng nhận LEED. Có thể nói, phát triển taheo hướng xanh hóa của Washington D.C là hướng đi đột phá, giúp cho TP đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

LEED là hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh. Được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh của Mỹ (USGBC), LEED cung cấp cho các chủ sở hữu, cũng như nhà quản lý cơ sở vững chắc trong việc xác định công trình kiến trúc xanh đạt tiêu chuẩn. LEED cũng phân chia thành các mức đánh giá khác nhau dựa trên tổng số điểm mà công trình đạt được, bao gồm: Chứng chỉ Bạch kim, Vàng, Bạc. Để được nhận Chứng nhận LEED, công trình phải sử dụng hiệu quả nguồn nước, năng lượng, thải ít khí CO2 và tận dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên…

Thanh Hà

Học viện Ngoại giao Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn