Banner trang chủ

Tiềm năng sản xuất điện từ vỏ trấu phế thải trong công nghiệp xay xát

27/10/2017

     Mỗi năm Việt Nam sẽ sản xuất thêm được khoảng 1 - 1,2 TWh (1TWh = 1 tỷ kWh) điện nếu tận dụng được nguồn vỏ trấu phế thải từ công nghiệp xay xát. Tuy nhiên, các nhà đầu tư rất cần hỗ trợ để biến các dự án điện trấu thành hiện thực.

     Tiềm năng lớn

     Hiện nay, lượng trấu thải ra từ công nghiệp xay xát của Việt Nam trung bình khoảng 7,5 triệu tấn/năm nhưng mới chỉ có khoảng 3 triệu tấn được sử dụng làm thức ăn gia súc, sản xuất phân bón và làm chất đốt ở nông thôn. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại 108 nhà máy xay xát lúa (được chọn ngẫu nhiên) thuộc TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng cho thấy, có khoảng 50% trấu tại các nhà máy xay xát được bán làm chất đốt sinh hoạt và làm phân bón.

     Giá bán trấu dao động khoảng 50 - 200 đồng/kg, tùy theo từng địa phương và từng thời điểm trong năm nhưng các nhà máy xay xát lúa có quy mô lớn và vừa vẫn còn dư thừa một lượng trấu lớn, với trên 232.000 tấn/năm, chủ yếu tập trung vào các tháng cao điểm của mùa thu hoạch lúa (từ tháng 2 đến tháng 7). Như vậy, nguồn trấu tại ĐBSCL có thể đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nhiệt điện.

 

 

     Theo ông Trần Quang Cử, chuyên gia tư vấn Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), lượng trấu có thể dùng để sản xuất điện của Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn/năm, tập trung ở các tỉnh ĐBSCL. Nếu xây dựng các nhà máy điện đốt trực tiếp trấu hoặc đốt theo phương pháp khí hoá thì có thể thu được 1 - 1,2 TWh điện mỗi năm. Nếu xây dựng các nhà máy điện trấu ngay tại cụm điểm xay xát có thể kết hợp sử dụng nhiệt để sấy lúa bằng hơi nước, ngoài ra, tro trấu từ nhà máy điện thải ra có thể bán cho các đơn vị sản xuất phân bón, xi măng, xí nghiệp luyện kim.

     Ở các địa phương sản xuất lúa lớn như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, nếu các cụm nhà máy xay xát gạo tận dụng vỏ trấu để sản xuất điện thì có thể xây dựng được khoảng hơn 100 nhà máy điện có công suất từ 500 kW - 20 MW. Mỗi nhà máy công suất 10 MW/năm có thể đốt hết 80.000 - 90.000 tấn trấu, góp phần giải quyết đáng kể lượng trấu thải ra sông, rạch, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

     Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển các nhà máy điện sinh khối từ vỏ trấu

     Ông Đinh Quý Tâm - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Nhiệt điện Đình Hải cho biết, Nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại KCN Trà Nóc 2 TP. Cần Thơ do Công ty CP Nhiệt điện Đình Hải đầu tư đã hoàn thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 20 tấn hơi/giờ và đang bước vào giai đoạn 2 với việc đầu tư turbine 3,7 MW để cấp điện lên lưới quốc gia. Hiện nay khu vực ĐBSCL có khoảng hơn 10 dự án điện trấu dự kiến sẽ triển khai xây dựng nhà máy. Tại An Giang, UBND Tỉnh đã chấp thuận hai dự án, 1 dự án đặt tại khu Công nghiệp Hòa An, huyện Chợ Mới, diện tích 18 ha, công suất 10 MW, tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD, 1 dự án tại xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, công suất 10 MW. Tại Đồng Tháp, Công ty CP điện Duy Phát cũng đang chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại ấp Bình Hiệp B, huyện Lấp Vò, tổng vốn 296 tỷ đồng, công suất thiết kế 10 MW… Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn băn khoăn vì chưa thể tính toán cân đối được chi phí đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

     Cũng theo ông Tâm, trong thời gian tới, Công ty Đình Hải sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty J-Power của Nhật Bản để nghiên cứu phát triển Nhà máy Điện trấu 20 MW đặt tại huyện Thốt Nốt (Cần Thơ). Đồng thời, Công ty cũng sẽ xúc tiến nghiên cứu Dự án Trung tâm nhiệt điện tại một vài khu công nghiệp (KCN) phát triển khác tại ĐBSCL. Song, giá bán điện thấp, thiếu đất sạch và việc bố trí các DN trong KCN chưa hợp lý khiến Công ty dè dặt, chưa khởi động.

     Để khuyến khích DN đầu tư phát triển các nhà máy điện sinh khối thì trong thời gian tới, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể như quy định giá mua ưu đãi đối với nguồn điện hình thành từ các nhà máy điện sinh khối, đánh thuế CO2, thuế môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch, dùng một phần tiền thu được thành lập Quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo. Các địa phương có tiềm năng về năng lượng sinh khối cũng cần hỗ trợ nhà đầu tư về đất sạch, ưu đãi về giá thuê đất, tiền sử dụng đất để nhà đầu tư có thể cân đối sản xuất kinh doanh.

     Về mặt chính sách, theo ông Lê Tuấn Phong - Vụ phó Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện nay các khung pháp lý để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng trấu đã cơ bản được hình thành. Bộ Công Thương đã phê duyệt “Chiến lược Quy hoạch tổng thể các nguồn năng lượng tái tạo Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2015 có xét triển vọng đến năm 2025”, trình Chính phủ để sớm ban hành Nghị định về cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

 

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn