Banner trang chủ

Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển vật liệu xây dựng theo hướng thân thiện môi trường

29/09/2017

    Thanh Hóa vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó định hướng vào việc phát huy tiềm năng, thế mạnh và tiết kiệm nguồn tài nguyên, đồng thời, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

 

 

     Cụ thể, đối với VLXD cát, giai đoạn 2017 – 2020 duy trì khai thác cát tại các khu vực được cấp phép đúng mốc giới đã được phê duyệt. Đảm bảo tổng công suất đạt 1,5 triệu m3/năm, cấp phép bổ sung cho các cơ sở tại vị trí mới trong quy hoạch. Tiếp tục đầu tư cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác các mỏ còn trữ lượng. Đồng thời, phát triển sản xuất cát nghiền từ đá tại các khu vực có sẵn nguồn nguyên liệu để cung cấp cho thị trường. Quy mô công suất các cơ sở sản xuất cát nghiền không nhỏ hơn 50.000 m3/năm đối đối với khu vực miền xuôi, không nhỏ hơn 30.000 m3/năm đối với khu vực miền núi. Tổng công suất dự kiến 1,9 triệu m3/năm trở lên.

     Đối với VLXD đá, tiếp tục khai thác để đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trong tỉnh là 19,3 triệu m3; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng nhằm sử dụng các công nghệ khai thác khoáng sản hợp lý nhất, công nghệ sạch trong sàng tuyển và chế biến khoáng sản. Các địa phương có nhiều cơ sở khai thác đá nhỏ lẻ phải tổ chức sắp xếp lại sản xuất để hình thành các cơ sở khai thác đá có công suất đủ lớn theo yêu cầu. Ưu tiên đầu tư các cơ sở khai thác, chế biến quy mô công xuất lớn, xóa bỏ hoàn toàn việc khai thác nhỏ lẻ không giấy phép để tránh làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng môi trường. Khuyến khích các cơ sở khai thác, sản xuất đá làm VLXD thông thường phối hợp đầu tư hoặc liên kết với các cơ sở sản xuất cát nghiền, gạch không nung nhằm nâng cao công nghệ, tận dụng tối đa nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ không cho phép phát sinh mới các lò gạch sản xuất bằng công nghệ lò thủ công, lò hoffman, lò thủ công cải tiến. Đặc biệt, chấm dứt hoạt động các lò thủ công, lò đứng liên tục và lò hoffman trên toàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư xây dựng 3 dự án đã được cấp phép đầu tư năm 2016, năm 2017. Xóa bỏ 3 lò hoffman sản xuất gạch đất sét nung tại Trại Giam T5, huyện Yên Định; phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn; xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc để chuyển đổi sang lò nung tuynel. Ngoài ra, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có khi xóa bỏ lò hoffman và phù hợp định hướng quy hoạch có thể cho phép chuyển đổi sang lò tuynel, công suất mỗi cơ sở từ 30 – 60 triệu viên/năm.

     Đối với gạch không nung sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất phát huy hết công suất, đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng đối với các cơ sở có quy mô công nghiệp hiện có. Đầu tư các cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu đã và đang làm thủ tục cấp phép với công suất 239,8 triệu viên/năm. Thu hút đầu tư mới các cơ sở sản xuất gạch không nung tại các địa phương chưa có cơ sở sản xuất. Xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch không nung tự phát có chất lượng sản phẩm không đảm bảo quy định; khuyến khích các cơ sở thành lập doanh nghiệp, đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tổng công xuất dự kiến khoảng 383,6 triệu viên/năm.

 

Nam Hưng

Ý kiến của bạn