Banner trang chủ

Tham vấn kỹ thuật báo cáo nghiên cứu đầu tư của khu vực tư nhân cho biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh ở Việt Nam

20/10/2017

     Ngày 20/10/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Tham vấn kỹ thuật báo cáo nghiên cứu đầu tư của khu vực tư nhân cho biến đổi khí hậu (BĐKH) và TTX ở Việt Nam.

     Rà soát đầu tư và chi tiêu của khu vực tư nhân cho BĐKH (PCEIR) là nhiệm vụ phức tạp, hiện chỉ có một vài quốc gia trên thế giới đang tiến hành. Giai đoạn 2010 - 2015, ước tính sơ bộ, tổng giá trị đầu tư của các doanh nghiệp (DN) liên quan đến BĐKH/TTX tại 2 lĩnh vực được lựa chọn, bao gồm hiệu quả năng lượng (HQNL) và năng lượng tái tạo (NLTT) là khoảng 10,33 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực hiệu HQNL là 630 triệu USD (chiếm 6%) và NLTT là 9,7 tỷ USD (chiếm 94%) với gần 235 dự án, góp phần giảm hàng năm ít nhất 15 triệu tấn CO2 tương đương.

     Có được kết quả đáng khích lệ trên là do sự năng động của khu vực tư nhân với cơ hội đầu tư kinh doanh khí hậu; Việc cập nhật, hoàn thiện chính sách, ưu đãi về đầu tư nói chung, đầu tư vào năng lượng xanh nói riêng của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, ngân hàng Nhà nước (NHNN) và gần đây là một loạt các chính sách hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, TTX. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về kỹ thuật và cho vay ưu đãi trong 2 lĩnh vực HQNL, NLTT, cụ thể: Ở lĩnh vực HQNL, tổng viện trợ không hoàn lại cho các chương trình liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật khoảng 110 - 120 triệu USD và các khoản cho vay ưu đãi đạt đến 186 triệu USD; Ở lĩnh vực NLTT, theo thống kê chưa đầy đủ, các nhà tài trợ đã cung cấp hơn 15triệu USD cho các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, thiết lập chính sách và khoảng 440 triệu USD cho vay ưu đãi.

     Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu đầu tư cho 4 ngành thép, xi măng, giấy, đường của HQNL là 1,77 tỷ USD và 4,1 - 4,8 triệu USD cho lĩnh vực NLTT, đáp ứng nhu cầu về công suất 1.100 MW cho thủy điện, 850 MW cho năng lượng mặt trời và 810 cho điện gió.

     Tuy nhiên, việc đầu tư cho HQNL gặp không ít khó khăn, trở ngại bởi các công ty, nhà đầu tư nhận thức chưa đúng về lợi ích đầu tư công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng dài hạn trong khi khả năng tài chính của DN vừa và nhỏ (SMEs) còn hạn chế; Các ngân hàng chú ý đến những sản phẩm cho vay thông thường và thương mại hơn là cho vay HQNL; Năng lực của các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) hạn chế về chất lượng tư vấn, thiếu số lượng và nguồn vốn...

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Cùng với đó, đầu tư NLTT gặp vướng mắc ở suất đầu tư cao, hệ số công suất thấp (từ 20% - 30%) dẫn đến chi phí sản xuất điện cao (điện gió khoảng 2 triệu USD/MW, điện mặt trời khoảng 1,1 - 1,3 triệu USD/MW, tương đương với chi phí đầu tư thủy điện nhưng hệ số công suất thủy điện có thể đạt 40% - 45%); Giá bán điện chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, giai đoạn 2010 - 2015, điện gió là 7,8 US cent/kWh, sinh khối là 5,8 US cent/kWh, thủy điện khoảng 5 US cent/kWh. Tuy nhiên, tháng 4/2017, Chính phủ đã ban hành mức giá cho điện mặt trời là 9,35 US cent/kWh. Ngoài ra, rủi ro kỹ thuật cho đầu tư vào lĩnh vực mới, hiệu quả đầu tư chưa rõ ràng; Giấy phép và thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí cho DN; Khả năng tiếp cận và vay vốn ưu đãi cho TTX/BĐKH phải đáp ứng các yêu cầu quốc tế về rủi ro môi trường, xã hội, thủ tục thẩm định, bảo lãnh...

     Vì vậy, để thực hiện hiệu quả PCEIR trong thời gian tới, cần sửa đổi và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư cho HQNL và NLTT. Đối với lĩnh vực HQNL, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đào tạo cho DN, các tổ chức tài chính kiến thức về HQNL, giúp họ nhận dạng và thẩm định được các dự án tiết kiệm năng lượng; Tạo cơ chế tài chính bền vững về thời hạn, lãi suất, thủ tục, bảo lãnh... thông qua hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế, các qũy, nhà đầu tư mong muốn tài trợ xanh, tài trợ phát triển bền vững. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) địa phương; Tiếp tục xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng hiệu quả cho các ngành công nghiệp như sắt, gang, nước giải khát, giấy, bột giấy, chế biến hải sản... cùng kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện; Có khung bán điện cho người tiêu dùng nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào HQNL.

     Đối với lĩnh vực NLTT, hiện giá bán điện FIT vẫn chưa hấp dẫn, do đó, cần liên tục xác định, cập nhật, áp dụng giá BIT phù hợp, cơ cấu giá theo nguyên tắc "Chi phí tránh được" cho thủy điện, các nguồn tái tạo, nhằm đảm bảo khả năng tài chính của các dự án đầu tư; Có cơ chế tài chính bền vững và khuôn khổ pháp lý nhất quán, bao gồm luật, quyết định, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn nêu rõ các ưu đãi cho NLTT, đặc biệt là việc tiếp tục cập nhật trợ cấp giá bán điện; Có cơ quan đầu mối quốc gia chịu trách nhiệm quản lý việc thúc đẩy các dự án NLTT ở quy mô chi tiết. Hiện nay, Vụ Năng lượng mới và NLTT của Bộ Công Thương đang thực hiện quản lý ở cấp độ vĩ mô.

     Khuyến nghị ngân hàng Nhà nước tiếp tục lồng ghép và đưa ra khung chính sách về tài chính xanh để khuyến khích các ngân hàng cho vay ưu đãi cho các dự án xanh; Huy động các chương trình tài trợ, tài chính xanh quốc tế; Thiết lập Qũy Tài chính xanh với trọng tâm là các chương trình tài chính xanh với Qũy Khí hậu xanh (GCF). Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức tài chính ban hành chính sách nội bộ về ngân hàng xanh, tín dụng xanh (TDX), các chính sách về quản lý rủi ro xã hội và môi trường, nhất là những báo cáo định kỳ về TDX, tín dụng có đánh giá rủi ro môi trường và xã hội được thực hiện theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN; Hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tài trợ cho các dự án xanh.

 

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn