Banner trang chủ

Thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

01/12/2017

   Ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1670/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2016 - 2020, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về TTX. Chương trình nhằm hướng đến mục tiêu không chỉ tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH của con người và hệ thống tự nhiên, mà còn hướng đến nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trong phát triển kinh tế bền vững. Mặt khác, mục tiêu của Quyết định trên cũng thể hiện rõ hành động cụ thể của Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) sau năm 2020 tại COP 21 và trong “Đóng góp quốc gia tự thực hiện (NDC)”.

   Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành 30 dự án chuyển tiếp tại Công văn số 1443/TTg-QHQT ngày 19/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục ưu tiên thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCP); thực hiện một số dự án cấp bách tại Văn bản số 78/TTg-QHQT ngày 16/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung trồng, phục hồi 10.000 ha rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, nhằm thích ứng với BĐKH và hấp thụ 2 triệu tấn CO2 mỗi năm và tạo sinh kế ổn định cho người dân khu vực trồng rừng.

   Ngoài ra, Quyết định số 1670/QĐ-TTg cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể đối với hai hợp phần:

   Hợp phần BĐKH có 5 mục tiêu: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 xây dựng 1 hệ thống giám sát BĐKH, 1 hệ thống giám sát, dự báo xâm nhập mặn thuộc Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025; Xây dựng, nâng cấp từ 6 - 10 công trình hồ dung tích khoảng 100 m³ để điều tiết mùa mưa, chống hạn mùa khô; Xây dựng, nâng cấp 6 - 8 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 2 - 3 hệ thống tại khu vực ven biển; Nâng cấp 200 km đê, kè sông, biển xung yếu ở những khu vực có ảnh hưởng tới sản xuất và cuộc sống của 3 triệu người dân khu vực ven sông, ven biển; Xây dựng 1 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH và cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của quốc gia.

   Hợp phần TTX có 6 mục tiêu: Đến năm 2020, giảm cường độ phát thải KNK từ 8 - 10% so với mức năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1 - 1,5% mỗi năm; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam với quy mô 50 ha; Thay thế 1.000 phao báo hiệu đường thủy nội địa sử dụng đèn năng lượng mặt trời; Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nội đồng khu tưới mẫu 100 ha, mô hình hệ thống thủy lợi theo hướng TTX đối với sản xuất lúa, nghiên cứu mô hình khảo nghiệm cây trồng cạn quy mô 25 ha; Đầu tư 25 trang thiết bị kiểm định và kiểm toán năng lượng cho công nghiệp khai khoáng, 29 trang thiết bị cho các ngành công nghiệp khác; Xây dựng Kế hoạch hành động về TTX cấp ngành, vùng và địa phương.

Công trình hạn chế tác động của triều cường, lũ lụt, xâm nhập mặn tại Kiên Giang

   Đối với phạm vi và hợp phần Chương trình, Quyết định số 1670/QĐ-TTg cũng chỉ rõ cho từng Hợp phần: Việc thực hiện gồm các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí, một số viện nghiên cứu, các vùng, tỉnh chịu tác động của thiên tai do BĐKH gây ra. Đáng chú ý, trong Quyết định có 4 dự án thành phần, trong đó, Bộ TN&MT chủ trì thực hiện Dự án thành phần số 1 và 2 liên quan đến BĐKH; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Dự án thành phần số 3, 4 liên quan đến TTX. Trên cơ sở các dự án thành phần, Quyết định còn có phụ lục kèm theo chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2016 - 2020 đối với từng Hợp phần.

Xây dựng hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại các đường thủy nội địa

   Việc tổ chức thực hiện Quyết định số 1670/QĐ-TTg chủ yếu thuộc Bộ TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, còn có Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp của các Bộ, ngành địa phương: Xây dựng, Công thương, Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

   Việc ban hành Quyết định số 1670/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ rõ những việc cần làm, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo trong thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về TTX. Mặt khác, việc ban hành Quyết định cũng cho thấy trách nhiệm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP21 đối với giảm thiểu BĐKH, là quốc gia có trách nhiệm với những vấn đề chung của toàn cầu liên quan đến BĐKHn

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng

TS. Nguyễn Sỹ Linh

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn