Banner trang chủ

Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường - kinh nghiệm của Việt Nam

05/10/2017

   Tăng trưởng kinh tế (TTKT) với bảo vệ và cải thiện môi trường (CTMT) có mối quan hệ ràng buộc, bổ sung cho nhau, để bảo vệ, CTMT đòi hỏi phải có sự TTKT, tạo cơ hội đầu tư nguồn lực cho BVMT; ngược lại, nếu bảo vệ và CTMT tốt, sẽ đảm bảo cho TTKT ổn định, bền vững. Quan điểm về sự gắn kết chặt chẽ giữa TTKT với bảo vệ và CTMT, gắn kết hai phạm trù cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đã được Đảng chỉ đạo ngay từ khi Việt Nam bắt đầu tiến hành thực hiện công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước.

Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi là sự kết hợp đồng bộ, hài hòa, thân thiện với môi trường 

   Chủ trương của Đảng về TTKT và BVMT

   Phát triển bền vững là sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Để thực hiện cả 3 nội dung trên thì TTKT phải gắn với BVMT và giải quyết tốt vấn đề BVMT cũng là một phần để giải quyết vấn đề xã hội. Nhận thức này đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong các chủ trương và đường lối của Đảng trong những năm qua.

   Từ nhận thức về tầm quan trọng của TTKT gắn với bảo vệ và CTMT, Đảng đã có những chủ trương cơ bản với các nội dung: Bảo vệ và CTMT phải được gắn kết, lồng ghép và thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của quốc gia, ngành và địa phương; Coi trọng phòng ngừa là chính, kết hợp với CTMT trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế đất nước, tôn trọng quy luật khách quan của tự nhiên; Chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và CTMT, xem đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững; Đề cao vai trò trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xã hội hóa đối với công tác BVMT; Giải quyết hài hòa giữa TTKT với bảo vệ và CTMT trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN). Quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đòi hỏi phải tuân theo các quy luật của thị trường, đồng thời phải bảo đảm được tính công bằng xã hội - đặt phúc lợi của con người là trọng tâm và kết hợp chặt chẽ với bảo vệ bền vững môi trường. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017, tại Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

   Một số biện pháp gắn kết TTKT với bảo vệ và CTMT ở Việt Nam

   Để thực hiện những chủ trương gắn TTKT với bảo vệ và CTMT, Việt Nam đã và đang triển khai một số biện pháp:

   Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu suất và chất lượng TTKT cùng với cải thiện môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2016 - 2020), Việt Nam sẽ tập trung “đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh”, chú trọng hơn tới phát triển chiều sâu bên cạnh phát triển chiều rộng, đặc biệt là đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong nội dung bảo vệ và CTMT sẽ lấy chất lượng sống của người dân là trọng tâm. TTKT gắn với sử dụng năng lượng, nguyên liệu, vật liệu đầu vào, bằng những biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, các vật liệu, nguyên liệu mới, thân thiện với môi trường;

   Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững: Từ năm 2004, Việt Nam đã xây dựng Chương trình Nghị sự cho phát triển bền vững thế kỷ 21, trong đó đề cao vai trò của bảo vệ và CTMT, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho TTKT. Tháng 12/2015, Việt Nam đã ký cam kết thực hiện “Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững” do Liên hợp quốc khởi xướng, đồng thời triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, Đảng và Nhà nước đã yêu cầu các cấp, ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc gắn kết TTKT với bảo vệ, CTMT. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT.

   Sử dụng các công cụ kinh tế thay thế dần các biện pháp mệnh lệnh kiểm soát để bảo vệ và CTMT: Thực hiện biện pháp trên phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, vì công cụ kinh tế sẽ điều tiết hành vi của doanh nghiệp, người dân, đảm bảo nguyên tắc thị trường “người gây ra ô nhiễm phải chi trả cho việc làm gây ô nhiễm - nguyên tắc PPP” và “người được hưởng lợi từ môi trường phải chi trả cho sự hưởng lợi - nguyên tắc BPP”.

   Thiệt hại và lợi ích môi trường phải được hạch toán đầy đủ trong chỉ tiêu TTKT: Đối với các thành phần môi trường phải được hạch toán giá trị, kể cả những chức năng của môi trường đóng góp cho TTKT. Đối với những thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường cũng phải được lượng hóa bằng giá trị. Việc hạch toán giá trị của các thành phần và chức năng môi trường, cũng như những thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra được xem là cơ sở để xây dựng các tài khoản vệ tinh trong hệ thống tài khoản quốc gia SNA, chuyển dần cách tính toán và thống kê chỉ số GDP truyền thống sang GDP xanh dựa trên hệ thống tính toán và thống kê mới của tài khoản quốc gia, gắn kết giữa kinh tế với môi trường theo hệ thống hạch toán mới - SEEA, nội hóa yếu tố môi trường trong chỉ tiêu TTKT quốc gia hàng năm. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu và tiếp cận theo SEEA, hướng đến các nguồn tài nguyên; thành phần môi trường phải đưa vào hệ thống tài khoản quốc gia để chỉ đạo và quản lý.

   Tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các nước đã phát triển về giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa TTKT gắn với bảo vệ và CTMT: Học hỏi kinh nghiệm quốc tế và đối chiếu với thực tiễn phát triển của Việt Nam để đưa ra những biện pháp thích hợp nhằm thực hiện TTKT gắn với bảo vệ, CTMT đã được tiến hành từ trước tới nay.

   Một số kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn

   Trong hơn 30 năm qua, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng; vấn đề bảo vệ và CTMT ngày càng được quan tâm. Từ thực tiễn phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong xử lý mối quan hệ TTKT gắn với bảo vệ và CTMT:

   Tổng kết và đánh giá thực tiễn đầy đủ, sát thực các vấn đề TTKT, bảo vệ và CTMT, đây là cơ sở quan trọng nhất để phát hiện những vấn đề cần giải quyết, tìm ra nguyên nhân và những bất cập từ thực tiễn; nắm bắt xu thế chung của khu vực và thế giới: Phải xem xét bối cảnh khu vực và thế giới, đối chiếu với thực tiễn trong nước để có những bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra định hướng, cách tiếp cận phù hợp. Hiện Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều công ước, hiệp định, cam kết… liên quan đến bảo vệ, CTMT khu vực và toàn cầu;

   Gắn TTKT với bảo vệ, CTMT luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp: Mặc dù, Việt Nam đã chú trọng đến BVMT nhưng hiệu quả mang lại chưa đạt được như mong muốn. Ô nhiễm và suy thoái môi trường vẫn có chiều hướng gia tăng, diện tích rừng và đa dạng sinh học suy giảm, nhất là vốn rừng tự nhiên. Nguyên nhân cơ bản là do việc chú trọng nhiều đến TTKT, mà ít quan tâm đến BVMT. Vì thế, thời gian tới, cần phải giải quyết hài hòa giữa TTKT và BVMT để đảm bảo cuộc sống trong lành cho người dân;

   Những thành công bước đầu chỉ có được nếu biết nhìn nhận đúng mối quan hệ TTKT gắn với bảo vệ và CTMT: Thực tế ở Việt Nam đã chứng minh, nếu vận dụng đúng nguyên lý thị trường trong thực hiện TTKT gắn với bảo vệ, CTMT thì hiệu quả mang lại rất lớn. Cụ thể, dựa vào nguyên tắc BPP trong thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua, Việt Nam đã thu được hàng nghìn tỷ đồng để bảo vệ rừng...;

   Cần phải giải quyết đồng bộ từ nhận thức, chủ trương và biện pháp thực hiện: Mặc dù, có quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đề xuất nhiệm vụ cụ thể nhưng quá trình triển khai trong thực tiễn vẫn còn là khoảng cách để thực thi hiệu quả TTKT gắn với bảo vệ, CTMT đó là vấn đề nhận thức, luật hóa, phân cấp thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát… Đây là một chuỗi các công việc cần làm, mỗi khâu, công đoạn đòi hỏi phải có biện pháp thực thi hiệu quả và sát với thực tiễn;

   Cần nêu cao hơn nữa vai trò của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong thực hiện: Thực tiễn triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho thấy, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp chưa phát huy hết nội lực, chưa tháo gỡ được những vướng mắc do thể chế kinh tế đòi hỏi. Vì vậy, cùng với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ để phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp; đồng thời, đề cao vai trò của mọi thành phần kinh tế, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong BVMT. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước từ Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Qua đó, sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời có trách nhiệm trong BVMT;

   Vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm và hoàn thiện dần: Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện TTKT gắn với bảo vệ, CTMT ở Việt Nam cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, lường trước những “sự cố”, vấn đề môi trường phải là một nguyên tắc trọng yếu đối với mọi kế hoạch và dự án dù lớn hay nhỏ;

   Cần coi trọng tính khách quan của quy luật tự nhiên, sự liên kết của các thành phần tự nhiên, nhất là trong thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển KH - XH, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Việt Nam đã có những bài học “đắt giá” trong khai thác khoáng sản và xây dựng đập thủy điện. Vì vậy, trong quy hoạch phát triển kinh tế, cần nhìn nhận trước vấn đề, lồng ghép vấn đề môi trường trong thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch thực hiện. Mặt khác, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hoạt động phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, nhất là đối với nhận thức của những nhà quản lý, quy hoạch phát triển KH - XH của địa phương.

   TTKT gắn với bảo vệ và CTMT là nội hàm của hai phạm trù gắn bó mật thiết, tác động qua lại, bổ sung cho nhau. Vì thế, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế đang tồn tại, rút kinh nghiệm trong thời gian tới để thực hiện tăng trưởng bền vững.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn