Banner trang chủ

Ngành rong biển Việt Nam: Triển vọng kinh tế gắn với phát triển bền vững

05/09/2017

   Với bờ biển dài 3.260 km và diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành rong biển, đặc biệt là khu vực miền Trung có bờ biển đá và dải biến thiên nhiệt độ hẹp. Tại Việt Nam đã xác định được 800 loài rong biển thuộc 4 ngành, trong đó, ngành rong đỏ chiếm hơn 400 loại, ngành rong lục chiếm 180 loại, ngành rong nâu hơn 140 loại và ngành rong lam gần 100 loại.

   Phát triển nguồn lợi rong biển

   Rong biển là nhóm thực vật bậc thấp, sống ở biển và vùng ven biển. Chúng có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển và đời sống của con người. Ngoài giá trị về môi trường, sinh thái như tham gia vào các chu trình dinh dưỡng của thủy vực, là nơi sống, trú ẩn, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật biển nhất là thời kỳ con non, rong biển còn có giá trị lớn đối với đời sống con người như cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến (chiết xuất keo agar, alginat, carrageenan…), làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh…

Rong nho là một trong những loài có giá trị kinh tế cao đang được trồng phổ biến ở Việt Nam

   Từ thế kỷ thứ 18, rong biển đã được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaixia, Philípin cũng sử dụng rong biển từ lâu. Do đó, ngành rong biển ở các quốc gia này rất phát triển. Trong những năm gần đây, do có sự khuếch tán văn hóa từ các nước lân cận, người Việt cũng bắt đầu quan tâm đến rong biển. Từ năm 2004, rong nho biển đã được du nhập vào Việt Nam và trồng thành công tại Bình Thuận và Khánh Hòa, tạo nguồn rong xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, Nhà nước cũng đã có sự quan tâm đến sản phẩm này. Thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" tại Quyết định số 1167/QĐ-BNN-TCTS ngày 28/5/2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, lần đầu tiên, rong biển được đưa chính thức vào chương trình hành động. Có thể coi đây là thời điểm vàng để phát triển ngành rong biển, vốn có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

   Theo nhiều nghiên cứu, diện tích tiềm năng trồng rong biển ở Việt Nam vào khoảng 900 nghìn ha (tương đương với sản lượng 600 - 700 nghìn tấn khô/năm). Trong số hơn 800 loài rong biển thì ở vùng biển nước ta có 90 loài mang lại giá trị kinh tế. Hiện nay có 7 loài rong kinh tế (rong nho, rong câu chỉ vàng, rong câu thắt, rong câu cước, rong sụn, rong bắp sú, rong sụn gai) đang được trồng phổ biến ở Việt Nam. Năm 2015, diện tích trồng rong biển cả nước ước đạt 25.000 ha, tổng sản lượng rong tươi đạt 35.000 tấn. Phần lớn, rong biển được sử dụng làm thực phẩm ăn tươi hoặc chế biến thành các sản phẩm gia tăng như thạch, mứt… Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, rong biển còn góp phần giảm khí thải nhà kính, làm sạch môi trường, hấp thụ kim loại nặng tại các vùng biển ô nhiễm, nuôi trồng thủy sản.

   Mặc dù có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng, chế biến rong biển, nhưng ngành này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, chưa có công nghệ chế biến và quy hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác rong biển quá mức, làm suy giảm nguồn lợi trong tự nhiên. Do vậy, việc khai thác rong biển ngoài tự nhiên cần phải tuân thủ mùa vụ, kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và bảo vệ nguồn lợi, đồng thời cần xây dựng một số khu bảo vệ nguồn lợi rong biển kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên biển, để bảo vệ nguồn gen tự nhiên của rong biển.

   Hướng đến giải pháp phát triển bền vững

   Trước triển vọng phát triển của ngành rong biển, cũng như giá trị kinh tế và dinh dưỡng của loại thực phẩm này, cần có kế hoạch hành động phù hợp để thúc đẩy ngành rong phát triển, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính:

   Phát triển đồng bộ các khâu sản xuất nguyên liệu và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ rong biển đảm bảo, hiệu quả, năng suất cao và chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường.

   Phát triển trồng 7 loài rong biển có hiệu quả kinh tế cao và xem xét nhập nội một số loài mới có giá trị như: rong Ulva và rong Meristotheca papilosa. Đồng thời, phát triển các phương thức, quy mô, công nghệ trồng phù hợp với từng loài, từng vùng sinh thái, ưu tiên phát triển các loài rong có hàm lượng agar, carrageenan, alginate cao.

   Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, các hệ thống chứng nhận. Phát triển các vùng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, an toàn môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

   Xây dựng Đề án phát triển ngành rong Việt Nam đến năm 2030, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và có sự tham gia của Nhà nước và người dân. Đề án cần chỉ rõ các phương thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp từng sản phẩm; khuyến khích ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng.

Lê Thị Hường

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn