Banner trang chủ

Ngành nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững

25/01/2018

     Với dư địa cho phát triển nông nghiệp còn phong phú, Hà Nội xác định thời gian tới phải đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững: Sạch gắn với năng suất cao và giá trị kinh tế cao.

     Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong năm 2017, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2%; tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản ước đạt 35.133 tỷ đồng, tăng 2,17% so với năm 2016 và ước đạt 43.110 tỷ đồng, bằng 100% so với năm 2016. Trong đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP đạt 25%.

 

Trang trại bò sữa Ba Vì

 

     Về chăn nuôi, công tác phát triển chăn nuôi theo xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với quy hoạch chăn nuôi được tập trung đầu tư. Tính đến hết năm 2017, TP. Hà Nội có 15 xã chăn nuôi bò sữa với 10.952 con, chiếm 73% tổng đàn bò sữa toàn TP; 19 xã chăn nuôi bò thịt với 25.811 con, chiếm 20% tổng đàn bò thịt toàn TP; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 210.564 con/6.698 hộ; chiếm 15% so với tổng đàn lợn toàn TP.

     Hiện nay, toàn TP có 3.941 trại/trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý, hết năm 2017 đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (tại các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín) theo hướng sản xuất hàng hóa với sản lượng sản phẩm thủy sản tương đối lớn. Với những đối tượng cho hiệu quả kinh tế cao như: cá chép lai, trắm cỏ, cá rô phi... nhiều mô hình cho lợi nhuận cao từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.

     Là TP tiên phong trong ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua ngành nông nghiệp Thủ đô đã thực hiện 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản như: Sử dụng giống mới có năng suất cao, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm ánh sáng; Các trang trại nuôi thủy sản sử dụng giống lai, công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước; Trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm…đã xây dựng và duy trì 65 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm góp phần làm tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

     Năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp định hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, tiến hành tham mưu để TP phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP giai đoạn 2018 - 2020.

     Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết với các địa phương trong sản xuất, cung ứng và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. Đi liền đó, đổi mới tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với BVMT và an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Lưu Huyền Trang (Theo LĐTĐ)

Ý kiến của bạn