Banner trang chủ

Kinh nghiệm thực hiện mua sắm xanh của Tập đoàn Xi măng Siam - Thái Lan

15/05/2017

   Thái Lan là một trong những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á sớm ban hành các chính sách về mua sắm xanh (MSX), nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Năm 2008, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Kế hoạch lần thứ nhất về thúc đẩy MSX (GPP 1), tập trung trước tiên vào khu vực công, gồm hơn 170 cơ quan Trung ương. Trên cơ sở GPP 1, Chính phủ Thái Lan tiếp tục xây dựng GPP giai đoạn 2012 - 2016 (GPP2), mở rộng cho các khu vực tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp (DN), tổ chức xã hội, trường đại học và cộng đồng. Theo đó, một số đơn vị, tổ chức tư nhân đã phát động các chương trình MSX nhằm triển khai GPP 2, tiêu biểu là Tập đoàn Xi măng Siam (SCG).

   Xanh hóa sản xuất - nâng tầm thương hiệu

   SCG tiền thân là Công ty TNHH Xi măng Siam, thành lập vào năm 1913. Trải qua hơn 100 năm hoạt động, đến nay SCG đã trở thành DN phát triển bền vững và lớn mạnh nhất không chỉ tại Thái Lan mà còn trên thế giới. SCG hiện có hơn 100 công ty con và 51.000 nhân viên, tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh chính là giấy, bao bì; hóa chất và vật liệu xây dựng. Tất cả các công ty con của SCG đều được cấp Chứng nhận ISO 9002 về quản lý chất lượng, ISO 14001 về quản lý môi trường và TIS 18001 về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

   Từ những năm 1990, vấn đề môi trường đã luôn được Tập đoàn quan tâm hàng đầu. Cụ thể, năm 1991, SCG đã ban hành các quy định về an toàn môi trường và sáng kiến phát triển bền vững. Sau đó 4 năm, SCG đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành các chỉ tiêu và hướng dẫn thực hiện cho các công ty con trong Tập đoàn. Năm 1997, SCG đã được cấp Chứng nhận ISO 14001 về quản lý môi trường và đến năm 1998, SCG đã được cấp chứng nhận Nhãn xanh Thái Lan cho sản phẩm giấy in. Với mục tiêu trở thành DN phát triển bền vững hàng đầu tại khu vực và trên thế giới, Tập đoàn SCG đã luôn hướng tới sự cân bằng trong phát triển kinh tế, xã hội và BVMT. Minh chứng cho điều đó là việc SCG trở thành thành viên của Chương trình Chỉ số Phát triển bền vững Dow Jones (DJSI) vào năm 2004. DJSI là chỉ số có giá trị toàn cầu nhằm đánh giá, xếp loại các hoạt động của các DN theo tiêu chí phát triển bền vững. Thông qua Chỉ số DJSI, các cơ quan quản lý tài chính có thể biết được tính hiệu quả kinh doanh của DN.

   Thực hiện MSX theo chuỗi cung ứng

   Năm 2005, SCG công bố Hướng dẫn thực hiện phát triển bền vững, trong đó đưa ra các tiêu chí xem xét lợi ích và tác động đến tất cả các bên liên quan thông qua khái niệm "3 xanh": sản phẩm xanh, quy trình xanh và trí tuệ xanh. Cũng trong thời gian này, SCG bắt đầu tham gia Chương trình MSX thông qua cam kết mua nguyên, vật liệu từ các nhà cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường. Để triển khai thực hiện chính sách MSX, SCG đã thành lập Ủy ban MSX và xuất bản cuốn sách Hướng dẫn MSX nhằm đưa ra các tiêu chí mua sắm đối với sản phẩm và dịch vụ. Các tiêu chí đó được xây dựng dựa trên việc đánh giá, xem xét việc tuân thủ quy định, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, quy trình sản xuất xanh, quản lý chất thải và tái sử dụng vật liệu của DN.

   Trong thời gian đầu thực hiện MSX, chỉ có một vài đơn vị cung cấp có thể đáp ứng các tiêu chí trên. Vì thế, năm 2006, SCG đã xây dựng Chương trình Chuỗi cung ứng xanh để giúp các đơn vị cung cấp thực hiện hệ thống quản lý môi trường và các biện pháp an toàn theo quy định. Nhận thấy tầm quan trọng của việc quản lý môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng, năm 2007, Ủy ban Phát triển Bền vững của SCG đã lồng ghép Chương trình Chuỗi cung ứng xanh vào Chương trình MSX để thúc đẩy các đơn vị cung cấp thực hiện MSX. Đồng thời, SCG hướng dẫn các đơn vị cung cấp thực hiện MSX theo cách tiếp cận phát triển bền vững trong suốt vòng đời sản phẩm. Các nhà cung cấp của SCG được đánh giá dựa trên các tác động tới môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm và chất lượng của sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan (TIS). Nếu nhà cung cấp không đạt được các điều kiện đó, SCG sẽ đưa ra các khuyến nghị để nhà cung cấp cải thiện môi trường và khắc phục những hạn chế đang tồn tại.

   Theo thống kê về sản phẩm MSX trong năm 2014, có 209 nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của SCG đã đăng ký trong danh sách MSX, với 72 sản phẩm. Thông qua việc giảm nguyên liệu thô, thay thế phụ tùng, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả đã giúp các đơn vị cung cấp trên giảm được chi phí đáng kể, ước tính khoảng 90 triệu Baht/năm (2.566.729 USD/năm). Năm 2015, có 189 nhà cung cấp đăng ký MSX, với 75 sản phẩm xanh.

Tập đoàn Xi măng Siam tại Saraburi, Thái Lan

   Các yếu tố tạo nên thành công trong Chương trình MSX của SCG

   Có thể nói, SCG đã thực hiện một chương trình MSX thành công. Để có được kết quả đó là do các yếu tố: Ban lãnh đạo của SCG đã xem Chương trình MSX như là một sáng kiến quan trọng cần phải thực hiện trong Tập đoàn. Sự quyết tâm và cam kết rõ ràng của Ban lãnh đạo đã tạo động lực giúp cho tất cả các nhân viên trong Tập đoàn phải cố gắng để đạt được các mục tiêu. Cùng với cam kết mạnh mẽ, SCG đã phát triển hệ thống quản lý MSX. SCG đã đưa ra cách tiếp cận có hệ thống tập trung vào các vấn đề môi trường và xã hội. Qua đó, các đơn vị cung cấp thấy được các cơ hội khi thực hiện MSX và các rủi ro nếu không quan tâm đến môi trường. Cách tiếp cận dựa trên hệ thống này là yếu tố chính dẫn đến việc thực hiện thành công Chương trình MSX của SCG. Các sáng kiến MSX của SCG đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của nhiều bên, từ nhà cung cấp, cơ quan quản lý, đến các tổ chức xã hội và người tiêu dùng. Để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các bên liên quan vào Chương trình MSX, SCG đã xây dựng một chương trình truyền thông, đào tạo về MSX, những lợi ích của sản xuất và tiêu dùng bền vững.

   Hàng năm, SCG đưa ra các mục tiêu cụ thể về MSX. Các mục tiêu đó được xác định theo tổng giá trị mua hàng, hoặc các chỉ số chất lượng chính về an toàn và môi trường. Để đạt được các mục tiêu này, SCG đã lựa chọn các sản phẩm thuộc Chương trình MSX, cũng như các sản phẩm có giá trị cao, hoặc tỷ lệ tiêu thụ lớn, những thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, SCG phát triển chuỗi cung ứng xanh từ nguyên liệu đầu vào, đến sản phẩm. Một yếu tố quan trọng nữa cho sự thành công của Chương trình MSX của SCG là sự sẵn sàng của các nhà cung cấp để thực hiện những thay đổi cần thiết, đáp ứng các yêu cầu "xanh hóa sản xuất" của Tập đoàn. Sự hỗ trợ của SCG đối với các nhà cung cấp (đào tạo và tư vấn kỹ thuật), cùng với cam kết và nỗ lực của các nhà cung cấp, đảm bảo sự thành công của Chương trình MSX.

An Nguyên
(Theo greengrowth.org)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn