Banner trang chủ

Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển điện năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk

31/07/2017

     Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện sinh khối và điện mặt trời). Việc đẩy mạnh triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió sẽ khai thác tiềm năng của địa phương, tạo ra sản lượng điện lớn, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

 

Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời

 

     Tiềm năng phát triển nguồn năng lượng sạch

     Theo các chuyên gia, Đắk Lắk có lượng nắng quanh năm rất lớn, nhất là các địa phương phía Tây và Tây Bắc của tỉnh như Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Búk... nên có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng mặt trời khoảng 95GWh/năm, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5kWh/m2/ngày. Nhận thấy, Đắk Lắk có tiềm năng về năng lượng mặt trời, đến nay đã có 18 nhà đầu tư đến Đắk Lắk đến nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án, với tổng công suất trên 14.000MW, điển hình như: Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, công suất 2000MW,  tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD; Dự án Nhà máy năng lượng sạch Rừng Xanh, với công suất 1.117 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 1,2 tỷ USD; Dự án Nhà máy điện mặt trời Long Thành, công suất 250 MW, tổng mức đầu tư 320 triệu USD. Hiện tại 3 dự án: Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, Nhà máy điện mặt trời Long Thành, Nhà máy năng lượng sạch Rừng Xanh đang trình hồ sơ bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

     Ngoài ra, theo kết quả tính toán của Đơn vị tư vấn về lập Quy hoạch điện gió tỉnh Đắk Lắk cho thấy, tiềm năng phát triển điện gió tỉnh với vận tốc gió trên 6 m/s đến 9,5 m/s, đạt tổng công suất dự kiến khoảng 1.400 MW. Các khu vực có tiềm năng gió ở các huyện EaH’leo, KrôngBúk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Với ưu điểm ít chiếm dụng đất, việc phát triển điện gió sẽ không ảnh hưởng đến diện tích rừng thân thiện với môi trường... Hiện Đắk Lắk đang đón nhận các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát đo gió để lập dự án điện gió, trong đó, điển hình là  Công ty TNHH đầu tư Egeres –Singapo đang hoàn tất thủ tục triển khai lắp đặt 4 cột đo gió để khảo sát, lập dự án điện gió với công suất 400 MW…

     Bên cạnh 2 loại hình trên, Đắk Lắk còn có thế mạnh về nông nghiệp, nguồn năng lượng sinh khối rất dồi dào, năng lượng sinh khối từ bã mía khoảng 7,8 triệu tấn, từ cuống sắn khoảng 2,49 triệu tấn và rác thải đô thị. Hiện tỉnh đã quy hoạch 8 nhà máy năng lượng sinh khối, với tổng công suất khoảng 120 MW, kết hợp vừa sản xuất đường tinh luyện, tinh bột sắn, xử lý rác thải và phát điện.

     Tăng cường cơ chế, chính sách phát triển năng lượng sạch

     Để tăng cường phát triển nguồn năng lượng sạch, tỉnh đã hoàn thiện Quy hoạch điện gió và điện mặt trời, đồng thời, ban hành nhiều chính sách, cơ chế mở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Theo Quy hoạch điện gió và điện năng lượng mặt trời, mục tiêu từ nay đến năm 2020 và xét đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đạt công suất lắp đặt gần 5.250 MW. Trong đó, tiềm năng điện gió tập trung ở 7 khu vực thuộc các huyện Krông Búk, Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ, với tổng công suất dự kiến là 1.382,90 MW, sản lượng điện năng còn lại được sản xuất từ các nhà máy điện mặt trời.

     Theo đó, tại địa bàn xã vùng sâu Đliê Yang (huyện Ea H’leo), Công ty Giải pháp Năng lượng gió HBRE (TP. Hồ Chí Minh) sẽ triển khai dự án điện gió có tổng công suất thiết kế 120 MW, với tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch đến năm 2020, dự án hoàn thành sẽ cung cấp sản lượng điện thương phẩm từ 450 triệu kWh/năm trở lên. Đây cũng là dự án điện gió được khởi công xây dựng đầu tiên ở Tây Nguyên.

     Đối với điện mặt trời, tỉnh đã lập danh mục 12 dự án để đề xuất Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025. Trước mắt, tỉnh Đắk Lắk chấp thuận trao giấy chứng nhận, quyết định chủ trương cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các nhà máy điện mặt trời tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn như: Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) có kế hoạch đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời, công suất thiết kế 2.000 MW tại huyện Ea Súp, với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD. Tập đoàn TH True Milk xây dựng Nhà máy điện mặt trời, với công suất 1.117 MW; Tập đoàn AES (Mỹ) đầu tư 16.875 tỷ đồng (750 triệu USD), xây dựng Nhà máy điện mặt trời tại huyện Ea Súp và Buôn Đôn, với công suất từ 300 - 500 MW...

 

Thiết bị đo hệ thống phát điện mặt trời được lắp đặt tại huyện Ea Súp

 

     Về quy hoạch điện sinh khối giai đoạn 2015 - 2025 và đến 2035, Sở Công Thương phối hợp với các ngành điều tra, thống kê nguồn năng lượng sinh khối dồi dào từ củi, trấu, bã mía, gỗ vụn, mùn cưa và các phụ phẩm nông nghiệp để từ đó, áp dụng, nhân rộng mô hình chế biến và khai thác nguồn năng lượng khép kín; đẩy mạnh nghiên cứu khuyến khích sử dụng mô hình sản xuất năng lượng giữa nhà nông - nhà khoa học và kêu gọi nhà đầu tư liên kết với doanh nghiệp để triển khai mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ vốn cho nhà máy đầu tư hệ thống cung cấp năng lượng...

     Bên cạnh việc hoàn thiệnQuy hoạch, các chính sách ưu đãi cũng được tỉnh ban hành như giải phóng nhanh quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, kêu gọi sự hỗ trợ từ Bộ, ngành liên quan trong việc đầu tư hạ tầng đồng bộ để các dự án nhanh chóng triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang rà soát một số dự án đầu tư không hiệu quả để thu hồi, chuyển đổi cho các nhà đầu tư khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, tỉnh sẽ ban hành cơ chế, khuyến khích phát triển thiết bị điện mặt trời, cơ chế hòa lưới điện quốc gia cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, sử dụng năng lượng mặt trời. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền , nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng năng lượng mặt trời.

 

Dương Văn Mão

Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2017)

Ý kiến của bạn