Banner trang chủ

Hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện

27/11/2017

     Ngày 26/11, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện, với sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 18 tỉnh thành khu vực phía Nam, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn.
     Theo Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM Nguyễn Toàn Thắng, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, TP. HCM đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, mà một trong số đó là vấn đề xử lý rác thải đô thị với khối lượng lớn, thành phần, tính chất đa dạng. Công tác quản lý chất thải rắn trong những năm qua, ngoài chất thải rắn sinh hoạt, còn bao gồm chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, xây dựng, y tế... Phương pháp xử lý chất thải rắn của TP hiện nay chủ yếu là chôn lấp, bộc lộ nhiều hạn chế như lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường nước ngầm, đất và không khí...
Toàn cảnh Hội nghị
 
     Theo báo cáo của UBND TP. HCM, trong giai đoạn 2007 - 2017, bình quân mỗi ngày TP phát sinh 8.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 1.500 tấn rác thải công nghiệp, 374 tấn rác thải nguy hại… Dự báo đến năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt là 10.082 tấn/ngày, chất thải nguy hại 549 tấn/ngày, chất thải y tế 30 tấn/ngày, đến năm 2025, chất thải rắn sẽ là 12.864 tấn/ngày, chất thải nguy hại 807 tấn/ngày, chất thải rắn y tế 50,5 tấn/ngày...
     Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, mục tiêu của TP là phát triển các nhà máy xử lý rác thông minh, xử lý rác kết hợp tạo ra năng lượng an toàn cho con người, đảm bảo cơ hội cho tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia công khai, minh bạch bằng những chính sách ưu đãi để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài và có hiệu quả. 
     Theo đó, TP đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhà đầu tư như: Miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp, hỗ trợ về các thủ tục đầu tư, ưu tiên mua lại nguồn điện tái tạo được sản xuất từ các dự án từ rác, chất thải với mức giá 2.114 đồng/kWh đối với dự án đốt chất thải rắn trực tiếp… 
     Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư giới thiệu một số công nghệ xử lý rác như xử lý rác bằng công nghệ khí hóa phát điện bằng sóng plasma, công nghệ đốt rác - phát điện Martin, công nghệ đốt rác - phát điện bioplasma… đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
     Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đến nay, TP đã tiếp nhận đề xuất xử lý rác - phát điện của 40 nhà đầu tư, đây là số lượng nhà đầu tư nhiều nhất trong 10 năm qua. Điều đó thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế TP gắn liền với công tác BVMT. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ gấp rút chuẩn bị đầy đủ các thủ tục kêu gọi dự án đầu tư, thông báo và công bố các quy trình tiêu chuẩn xét chọn dự án, chương trình kích cầu, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ các nhà đầu tư. 
Minh Hương
Ý kiến của bạn