Banner trang chủ

Cần có quy định pháp lý cụ thể về khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

31/07/2017

     Từ đầu những năm 1990, mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) đã hình thành trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam đây vẫn là một khái niệm mới. Với sự hỗ trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Liên bang Kinh tế Thụy Sỹ (SECO), năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UNIDO thực hiện Dự án Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình khu công nghiệp (KCN) bền vững tại Việt Nam (Dự án). Để hiểu rõ hơn về mô hình KCNST, cũng như những đóng góp của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới trong quá trình thúc đẩy KCNST tại Việt nam, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Tường Anh - Phụ trách Chương trình Hiệu quả Tài nguyên trong Công nghiệp Việt Nam, IFC về vấn đề này.

 

       

Bà Vũ Tường Anh - Phụ trách Chương trình

Hiệu quả Tài nguyên Công nghiệp Việt Nam (IFC)

 

     PV: Bà có thể giới thiệu khái quát về mô hình KCNST mà Dự án đang hướng tới?

     Bà Vũ Tường Anh: Theo khái niệm của thế giới, KCNST là một cộng đồng các doanh nghiệp (DN) ở cùng một KCN có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, cùng hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường có chất lượng cao, thông qua hợp tác quản lý về các vấn đề môi trường và tài nguyên. Trong mô hình KCN truyền thống, các DN quản lý tài nguyên nguyên liệu, năng lượng đầu vào và chất thải đầu ra riêng rẽ, do vậy, tổng lượng nguyên liệu, năng lượng tiêu thụ và tổng lượng chất thải vào môi trường sẽ rất lớn. Trong mô hình KCNST, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải tại mỗi DN, vấn đề quản lý tài nguyên cũng cần được tối ưu hóa trong toàn bộ KCN, nguyên liệu và năng lượng có thể dùng từ một nguồn chung, chất thải của DN này có thể là đầu vào cho doanh nghiệp khác. Để xây dựng KCNST cần có 3 yếu tố cơ bản: Hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn tại mỗi DN trong KCN; Cộng sinh công nghiệp, trao đổi chất thải và cơ sở hạ tầng xanh.

     PV: Theo bà, các KCN nói chung, DN nói riêng có những cơ hội và thách thức gì khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCNST?

     Bà Vũ Tường Anh: Mô hình KCNST vận hành theo hệ thống khép kín trên nguyên tắc cộng sinh công nghiệp, thực hiện trao đổi chất, tái sinh tái chế, tuần hoàn năng lượng và vật chất nhằm giảm thiểu chất thải, đem lại lợi ích kinh tế, đồng thời cũng giảm thiểu tác động lên môi trường. Vì thế, các DN khi áp dụng mô hình KCNST sẽ đạt được những lợi ích đáng kể về kinh tế do trao đổi, chuyển giao, hoặc bán các sản phẩm phụ của mình cho các DN khác trong cùng KCN, đôi bên cùng có lợi. Các DN sẽ giảm được chi phí tài nguyên, cũng như chi phí xử lý chất thải, giảm phát thải ra môi trường, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đối với các chủ đầu tư KCN, cách tiếp cận này thu hút các DN có chất lượng vào KCN. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn trong việc chuyển đổi sang mô hình KCNST là chưa có hành lang pháp lý rõ ràng (ví dụ, đối với dự án cộng sinh, sự trao đổi chất thải giữa các DN trong KCN chưa có văn bản pháp lý để thực hiện; một số dự án cộng sinh cần có sự hỗ trợ về pháp lý, kỹ thuật và tài chính…).

 

Lãnh đạo TP. Cần Thơ thăm quan hệ thống xử lý nước thải của KCN Trà Nóc 1 (Cần Thơ)

 

     PV: IFC đã triển khai những hoạt động nổi bật gì để hỗ trợ Dự án thực hiện thí điểm chuyển đổi các KCN hiện nay sang mô hình KCNST?

     Bà Vũ Tường Anh: Hiện nay, IFC đang hỗ trợ Bộ KH&ĐT soạn thảo Tài liệu Hướng dẫn Kỹ thuật cho KCNST. Tài liệu sẽ được hoàn thành trong quý 4/2017, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững tại Việt Nam. IFC cũng hợp tác với Bộ KH&ĐT để đánh giá tiềm năng triển khai các mạng lưới cộng sinh công nghiệp, trao đổi chất thải theo mô hình KCNST ở KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ). Đồng thời, IFC cũng hợp tác với Khu công nghệ cao Sài Gòn để xem xét, đánh giá tiềm năng triển khai các dự án năng lượng tái tạo, đây chính là một trong các giải pháp sinh thái cho khu công nghệ cao. Ngoài ra, IFC sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho một số KCN thực hiện các giải pháp cộng sinh công nghiệp, nâng cao hiệu quả tài nguyên và kinh doanh, giảm chất thải ra môi trường trong thời gian tới.

     PV: Bà có đề xuất kiến nghị gì để phát triển mô hình KCNST tại Việt Nam?

     Bà Vũ Tường Anh: Mô hình KCNST là hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền sản xuất quan tâm đến môi trường, xã hội và đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, cũng như quy định cụ thể, tiêu chí rõ ràng về môi trường và tài chính, nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, tuần hoàn, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu chất thải tại nguồn trong các KCN, cũng như DN. Đối với các DN nằm trong KCN, cần thay đổi nhận thức trong cách sử dụng nguyên liệu, chất thải, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên trong doanh nghiệp mình đồng thời tận dụng nguồn tài nguyên từ chất thải của các DN khác trong KCN. Mặt khác, các DN cần có tầm nhìn và kế hoạch phát triển sản xuất dài hạn, đầu tư những giải pháp bền vững, đi đôi với việc thực hiện một số biện pháp quản lý ngắn hạn như tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm chi phí sản xuất và xử lý chất thải.

     PV: Xin cảm ơn bà!

    

     Theo “Sổ tay phát triển KCNST cho các nước đang phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có 7 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một KCN theo hướng KCNST gồm: Hài hòa với thiên nhiên; Hệ thống năng lượng; Quản lý dòng nguyên liệu và chất thải; Cấp thoát nước; Quản lý KCNST hiệu quả; Xây dựng/cải tạo; Hòa nhập với cộng đồng địa phương. Ước tính, trên thế giới có khoảng 30 KCNST chia thành các nhóm khác nhau... Tuy nhiên, có thể phân loại các KCNST thành 5 nhóm: Nông nghiệp; Tái tạo tài nguyên; Năng lượng tái sinh; Nhà máy điện và lọc hóa dầu, hay hóa chất.

                                     

Hương Trần (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2017)

 

 

 

Ý kiến của bạn