Banner trang chủ

Công cụ tính toán khí nhà kính, thẩm định cân bằng các bon đối với hoạt động nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất

02/01/2018

   Công cụ tính toán khí nhà kính (KNK), thẩm định cân bằng các bon là một hệ thống đánh giá tính toán phát thải, cũng như tác động của các dự án, chương trình, chính sách đến cân bằng các bon (cân bằng thực của tất cả các loại KNK được quy đổi và thể hiện dưới dạng CO2 tương đương phát thải, hoặc hấp thụ trong quá trình thực hiện các dự án, chương trình, chính sách khi so sánh với kịch bản cơ sở).

   Thông qua phân tích, so sánh mục tiêu, cách tiếp cận, đặc điểm, cũng như nội dung của một số công cụ tính toán KNK, thẩm định cân bằng các bon áp dụng chủ yếu cho quy mô các nông trại, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất; đề xuất về áp dụng công cụ này tại Việt Nam.

   Các công cụ tính toán KNK, cân bằng các bon

   Trong thời gian gần đây, nhiều công cụ tính toán KNK, cân bằng các bon đã được phát triển và áp dụng ở các lĩnh vực khác nhau như năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông - lâm nghiệp, để phục vụ đánh giá, phân tích và hoạch định chính sách. Các công cụ tính toán KNK bao gồm các công cụ định lượng dựa trên phần mềm website, excel, hoặc phần mềm tự động khác. Mỗi công cụ có phạm vi áp dụng khác nhau, có thể đánh giá các khía cạnh khác nhau về kinh tế - xã hội (KT-XH) và môi trường.

   Hiện nay, hầu hết các công cụ tính toán KNK được phát triển tại nhiều quốc gia như Ôxtrâylia, Niu-Di-Lân, Anh, Canađa, Pháp. Các tổ chức phi chính phủ cũng đã phát triển một số công cụ tính toán KNK để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu (BĐKH) và thúc đẩy các hoạt động thân thiện với môi trường. Hầu hết các công cụ tính toán KNK đều có trên website và có thể dễ dàng truy cập, tải về để sử dụng. Các bản mô tả và hướng dẫn sử dụng, cùng một số trường hợp nghiên cứu áp dụng công cụ tính toán KNK cũng có thể dễ dàng tìm thấy trên website của công cụ.

   Mục đích sử dụng và cách tiếp cận công cụ tính toán KNK

   Trong lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng đất, nhiều công cụ tính toán KNK, cân bằng các bon được phát triển ứng dụng nhằm định lượng phát thải KNK, hoặc giảm phát thải từ các dự án, trang trại, hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp. Denef, K., et al, (2012) chia các công cụ này thành 4 nhóm: Nâng cao nhận thức về phát thải, phạm vi hạn chế, tính toán đơn giản, sử dụng không đòi hỏi đào tạo nhiều như Carbon Calculator for New Zealand Agriculture and Horticulture, C-Plan, Farming Enterprise GHG Calculator…; Mô tả và phân tích hiện trạng, so sánh giữa các quốc gia, hoặc trang trại trên cơ sở chung để giúp đưa ra các chính sách phù hợp như ALU, ClimAgri, FullCAM, Dia'terre®, CALM, CFF; Đánh giá dự án, so sánh trường hợp "có dự án" với đường cơ sở, có thể có định hướng theo thị trường các bon, hoặc không, như FarmGas, Carbon Farming Tool, Ex-Act , US AID FCC, CBP, Holos, CAR livestock; Định hướng thị trường và sản phẩm, cung cấp kết quả KNK cho mỗi sản phẩm để so sánh phát thải với sản phẩm tương tự. Kết quả tính toán được thể hiện bằng khối lượng KNK phát thải trên 1 đơn vị sản phẩm (Dia'terre®, Agri-LCI models, Cool farm).

   Công cụ tính toán KNK, cân bằng các bon trong nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất đã được phát triển theo các cách tiếp cận từ trên xuống (top-down), từ dưới lên (bottom-up). Các mô hình bottom-up thường xem xét từ khía cạnh công nghệ một cách chi tiết để thấy được cơ cấu công nghệ, nhiên liệu và phát thải cho vùng, miền, quốc gia; Các mô hình top-down thường xem xét lao động, vốn, năng lượng trên phương diện vĩ mô thông qua chỉ số về giá, thuế. Cách tiếp cận cũng khác nhau với mục tiêu cụ thể và tổng quát, phạm vi tính toán và cấp độ đánh giá khác nhau, phù hợp với từng quy mô địa lý.

Nhiều công cụ tính toán KNK, cân bằng các bon đã được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp

   Phạm vi, cấp độ và nội dung tính toán

   Trong 6 loại KNK theo Nghị định thư Kyoto về BĐKH, chỉ có công cụ Carbon Footprint Calculator được thiết kế cho phép đánh giá tất cả các loại KNK. Các công cụ khác, ngoài CO2 chỉ đánh giá N2O và CH4. Các công cụ có cấp độ đánh giá trải rộng từ quy mô toàn cầu đến quốc gia, vùng miền, trang trại và sản phẩm. Một số công cụ điển hình như: Ex-act, FarmGas, Carbon Farming Tool, FCC, CBP, AFD, Holos, Fieldprint Calculator còn cho phép đánh giá hiệu quả kinh tế thông qua các tác động tài chính đối với trang trại, dự án, chương trình, chính sách. Lĩnh vực áp dụng trong nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất của các công cụ khá đa dạng, bao gồm: Đất canh tác, trồng trọt, đất chăn nuôi, đồng cỏ, nông- lâm kết hợp, vườn cây, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác, phá rừng, sản xuất lúa gạo, vùng ngập nước, cây đô thị, sử dụng năng lượng.

   Nguồn gốc phát thải KNK được xác định trong các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người như: Xây dựng cơ sở hạ tầng (CO2); Nhiên liệu hóa thạch và điện (CO2); Phân bón tổng hợp và phân chuồng (N2O); Ruột gia súc (CH4); Phân chuồng (CH4); Cố định đạm từ trồng cây (N2O); Thức ăn thừa (N2O); Phát thải từ việc nhập phân bón, thức ăn bên ngoài. Tuy vậy, nhiều công cụ thường bỏ qua tính toán đất và sinh khối, CO2 phát thải/lưu trữ sau khi thay đổi mục đích sử dụng đất, điều đó có thể tác động đáng kể đến kết quả tính toán của các công cụ.

   Kết quả tính toán KNK sẽ được quy đổi về giá trị tấn CO2, tương đương (t-CO2eq). Mức phát thải hay hấp thụ các loại KNK khác được quy đổi theo hệ số (1 tấn CH4 = 23 tấn CO2, tương đương theo hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC). Kết quả sau đó được thể hiện bằng các đơn vị khác nhau: tấn CO2 tương đương (t-CO2eq); t-CO2eq/dự án; t-CO2eq/ha/năm; t-CO2eq.kg/sản phẩm, hoặc đơn vị sản phẩm. Kết quả cũng có thể được thể hiện bằng giá trị ròng (tích lũy). Một số công cụ tính toán chỉ cung cấp kết quả cho một phương án nhất định; các công cụ như AFD, CBP, FarmGAS, Ex-Act, Holos, hay USAID FCC cung cấp giá trị so sánh các kịch bản khác nhau.

   Công cụ tính toán KNK cũng được sử dụng kết hợp với các công cụ đánh giá kinh tế. Ví dụ, công cụ Ex-Act được sử dụng cùng với đường chi phí giảm thải cận biên (Marginal Abatement Cost Curve-MACC), nhằm cung cấp thông tin về chi phí hấp thụ/giảm phát thải các bon theo các phương án được lựa chọn khác nhau. Những nghiên cứu sử dụng công cụ này giúp chỉ ra hoạt động có lợi ích kinh tế cao, chi phí hợp lý và hoạt động nào là không phù hợp/không hiệu quả, tác động của thuế các bon, hoặc thị trường các bon…

   Một số vấn đề về sử dụng các công cụ tính toán KNK, cân bằng các bon trong thực tế

   Trước hết, kết quả tính toán KNK, cân bằng các bon thường không bảo đảm về sự chắc chắn bởi các lý do: sự chính xác trong dữ liệu; sự biến đổi theo thời gian (BĐKH và tác động làm thay đổi thực tế quản lý); sự không chắc chắn về các yếu tố phát thải đặc trưng. Sự không chính xác trên có thể rất cao đối với lĩnh vực nông nghiệp và phụ thuộc vào quy trình phát thải được xem xét. Việc đánh giá tác động của sự không chắc chắn này thường là khá phức tạp. Các công cụ tính toán KNK đều đề cập đến sự không chắc chắn của các yếu tố phát thải, nhưng không đánh giá cụ thể, do vậy, người sử dụng phải tự nhận thức và đánh giá. Để giảm tính không chắc chắn của kết quả, cần tính toán nhiều lần, mở rộng quy mô mẫu đánh giá, đảm bảo độ chính xác cao cho các hoạt động vì nó ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả.

   Thứ hai, các yêu cầu về thời gian và kỹ năng: Một số công cụ (Ex-act, Carbon Calculator for NZ Agriculture and Horticulture, AFD calculator, Carbon Farming Group Calculator, Farming Enterprise Calculator…) không đòi hỏi kỹ năng quá cao và việc thu thập dữ liệu cũng yêu cầu thời gian. Một số công cụ khác (ALU, CPB, ClimAgri®, FullCAM, FarmGAS…) yêu cầu cao hơn về kỹ năng (có thể bắt buộc phải có đào tạo chính quy). Khó có thể ước tính, đánh giá chính xác khoảng thời gian cần thiết cho mỗi công cụ vì điều này phụ thuộc chủ yếu vào mức độ chính xác, độ tin cậy và tính sẵn có của dữ liệu trong mỗi nghiên cứu.

   Theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) với các nước đang phát triển, Việt Nam nên áp dụng những công cụ tính toán KNK trong nông - lâm nghiệp, cũng như năng lượng không tái tạo; chú ý việc tạo lập, sử dụng và phân tích kết quả cho các phương án phát thải và giảm phát thải trong các dự án; lựa chọn các công cụ sẵn có và phổ biến để tính toán KNK, cân bằng các bon từ nông nghiệp và chuyển đổi sử dụng đất, bắt đầu từ những công cụ đơn giản, không đòi hỏi cao về dữ liệu và kỹ năng.

   Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu và cải thiện chất lượng dữ liệu; lựa chọn sử dụng các chỉ số có sẵn trên cơ sở dữ liệu của IPCC 2006 dựa trên những thông số phức tạp đã được chứng minh như Tier 1, 2, 3 để giảm thiểu độ không chính xác của từng mô hình.

PGS.TS. Lê Thu Hoa
TS. Nguyễn Công Thành

Khoa Môi trường và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017

Ý kiến của bạn