Banner trang chủ

Công bố kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

06/12/2017

     Ngày 11/11/2017, tại Kiên Giang, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Việt - Đức tổ chức Hội thảo “Công bố kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Liên kết vùng hướng tới thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

 

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo

 

    Mục tiêu của Hội thảo nhằm công bố kết quả xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của 5 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc và bài học rút ra từ quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh…

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên. Từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

    “Trong một nền kinh tế tăng trưởng xanh, việc làm và thu nhập cho người dân được tạo ra thông qua đầu tư của Nhà nước và tư nhân giúp giảm thiểu phát thải các bon, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, mở mang các ngành nghề thân thiện với môi trường và các dịch vụ sinh thái. Tăng trưởng xanh còn là một trong những biện pháp giúp tái cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, TS. Phạm Hoàng Mai nhấn mạnh.

     Ts. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng chương trình, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức cho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL trên cơ sở tôn trọng các quy luật tự nhiên, trong đó, hợp tác và liên kết vùng có tầm quan trọng to lớn và cần được ưu tiên nhằm phát huy tối đa tiềm năng kinh tế - xã hội của khu vực cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh được xây dựng dựa trên cách tiếp cận này và vạch ra tầm nhìn chiến lược cho phát triển kinh tế – xã hội của ĐBSCL ở cả cấp tỉnh và vùng trong những năm tới.

    Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia tư vấn về tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kế hoạch tăng trưởng xanh cấp tỉnh tuy được triển khai tại từng tỉnh nhưng phần lớn các nhóm giải pháp đều có tính chất tương đồng; đặc biệt là cùng trong vùng ĐBSCL như: nhóm giải pháp về tăng cường năng lực và thể chế, nâng cao nhận thức, giảm cường độ phát thải khí nhà kính... Do đó, các địa phương cần trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau để có thể giảm bớt những nỗ lực cần bỏ ra cho mỗi tỉnh.

     Để nâng cao hiệu quả của mục tiêu tăng trưởng xanh ở các tỉnh, ông Hà Đăng Sơn cũng nhấn mạnh, chúng ta cần có một cơ chế đẩy mạnh hợp tác, tài trợ quốc tế đa phương và song phương về xây dựng mô hình phát triển xanh, mô hình sinh thái, phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh của vùng; đồng thời, liên kết phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh với phát triển khoa học, công nghệ của vùng và khu vực; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ thực hiện chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các cụm, ngành kinh tế trọng điểm.

     Tại Hội thảo, nhiều địa phương cũng cho rằng, cần chỉ ra được cách làm như thế nào để lồng ghét các vấn đề bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển ngành, nhất là chương trình cải cách kinh tế vĩ mô.

 

Hoàng Tố Uyên

Ý kiến của bạn