Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 08/11/2024

Xây dựng các mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại địa phương

06/11/2023

    Ngày 4/11/2023, tại Hà Nội, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”. Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cùng thảo luận về sự cần thiết trong việc phối hợp đồng bộ, nhằm triển khai các kế hoạch, hoạt động quản lý CTRSH nói chung, chất thải nhựa nói riêng một cách hiệu quả và tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Đây là một cơ hội để các cấp lãnh đạo tại các tỉnh, thành trên toàn quốc cùng chia sẻ, thảo luận về kinh nghiệm quản lý CTRSH và giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại địa phương. Sự chủ động và hành động quyết liệt của các địa phương trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác nhựa ở cấp địa phương không chỉ giúp tạo ra môi trường trong sạch cho người dân, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế như du lịch, giao thông, thủy sản, mà còn góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương, hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra”.

    Theo ước tính, trên toàn cầu có khoảng 60% chất thải nhựa có nguồn gốc từ các đô thị. Nghiên cứu đánh giá gần đây của WWF-Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT cho thấy, khối lượng chất thải nhựa phát sinh năm 2021 tại Việt Nam là 8.201 tấn/ngày tương đương với khoảng 2,93 triệu tấn/năm; 28 tỉnh/thành phố ven biển phát sinh lượng lớn chất thải nhựa ra môi trường, khoảng 4.268 tấn/ngày, so với 3.753 tấn/ngày của các tỉnh/thành phố còn lại. Chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị

    Với mục tiêu bảo vệ môi trường biển, ngăn ngừa rác thải nhựa từ nguồn và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, ban hành theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 đã đặt các mục tiêu tham vọng đến năm 2030 sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

    Hiện nay, trên thực tế nhiều địa phương đã triển khai các mô hình, giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, thu gom, phân loại, xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; tích cực tuyên truyền, giáo dục… với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế. Sau 5 năm kể từ khi bắt đầu triển khai Chương trình Đô thị Giảm nhựa tại Việt Nam từ 2018, đến nay đã có 9 địa phương của Việt Nam cam kết tham gia chương trình. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng những đóng góp của các địa phương đã mang lại các kết quả rất đáng khích lệ trong cải thiện công tác quản lý, thu gom và phân loại CTRSH, giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới mục tiêu Không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Triển lãm về Kết quả triển khai Chương trình Đô thị Giảm nhựa tại Việt Nam

    Dự án “Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF - Việt Nam tài trợ; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm Chủ dự án đã được triển khai thực hiện với mục tiêu góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Thông qua Dự án, các văn bản hướng dẫn kỹ thuật được xây dựng nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn, bao gồm cơ chế hỗ trợ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại bảy thành phố/quận (huyện) bao gồm: Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Quận Thanh Khê (Thành phố Đà Nẵng), Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), tỉnh Long An, Thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), tỉnh Phú Yên, dựa trên chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF, để có thể làm cơ sở áp dụng triển khai trên toàn quốc, cũng như quản lý hiệu quả nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lượng rác thải nhựa tồn đọng tại 3 khu bảo tồn biển quan trọng: Côn Đảo, Cù Lao Chàm và Phú Quốc.

    Tại Hội nghị, các đại biểu và đại diện của các địa phương đã có những chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai quản lý CTRSH và rác thải nhựa, trong đó vai trò nòng cốt của các đô thị được đánh giá như là một giải pháp hiệu quả  nhằm làm giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Hội nghị cũng kêu gọi hành động và khuyến khích 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cùng tham khảo, thử nghiệm các mô hình, giải pháp quản lý CTRSH và giảm thiểu chất thải nhựa tại các địa phương.

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn