Banner trang chủ

Tác động kinh tế - xã hội của các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam

26/05/2025

    Ngày 26/5/2025, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo Tác động kinh tế - xã hội của các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, tại Hội nghị lần thứ 21 (COP21) năm 2015, các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây là Thỏa thuận mang tính lịch sử, là cơ sở pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện trách nhiệm của mỗi Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu chủ yếu thông qua Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC). Việt Nam gửi INDC cho Ban thư ký Công ước vào tháng 9/2015; ký và phê duyệt Thỏa thuận Paris lần lượt vào tháng 4 và tháng 10/2016; ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tháng 10/2016. Sau khi Thỏa thuận Paris được các Bên phê chuẩn và có hiệu lực, INDC của các Bên đã trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tại Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 do Bộ TN&MT xây dựng, gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã cập nhật, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26.

    NDC của Việt Nam bao gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật gồm: (i) Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; (ii) Thay đổi cơ cấu tiêu thụ nhiên liệu, sử dụng năng lượng trong công nghiệp và giao thông vận tải; (iii) Chuyển đổi phương thức vận tải hành khách, hàng hóa; (iv) Đẩy mạnh khai thác hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng; (v) Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp; (vi) Quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thụ các-bon và các dịch vụ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân sống phụ thuộc vào rừng; (vii) Quản lý chất thải; (viii) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng các biện pháp thay thế vật liệu xây dựng và cải tiến quy trình sản xuất xi măng, công nghiệp hóa chất và giảm tiêu thụ HFCs.

    Việc thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính trong NDC được dự báo sẽ mang lại các đồng lợi ích đối với kinh tế - xã hội và môi trường. Về kinh tế, việc thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt lĩnh vực năng lượng, sẽ góp phần giảm nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu, góp phần tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam, phát triển kinh tế ổn định và bền vững. Về xã hội, việc triển khai các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo giúp cải thiện điều kiện lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Về môi trường, thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính sẽ góp phần duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, phòng hộ, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tạo nguồn nước. Những tác động này cần được đánh giá chi tiết và toàn diện, nhằm lựa chọn xác định, lựa chọn các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

    Hiện nay, thế giới đã có một số mô hình kinh tế đã được sử dụng để đánh giá tác động của chính sách đến hoạt động kinh tế - xã hội như: Mô hình cân bằng tổng thể (CGE) do Johansen phát triển năm 1960; mô hình AIM/CGE được phát triển bởi Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản (NIES); mô hình Kinh tế xanh Green Economy Model (GEM) được phát triển bởi Viện Tài nguyên Thế giới… Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả cập nhật của mô hình GEM về hiện trạng phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực: Nông nghiệp; công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU); Năng lượng; Chất thải; Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF); thảo luận về các tác động của việc thực hiện NDC đối với nền kinh tế - xã hội của Việt Nam; đề xuất các giải pháp, khuyến nghị để tăng cường tác động tích cực trong việc thực hiện NDC.

    Tại Hội thảo, đánh giá về tác động của NDC đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Liễu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, kịch bản NDC mang lại lợi ích cho kinh tế, môi trường và xã hội Việt Nam; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn và tạo nhiều việc làm; giảm nhu cầu năng lượng và phát thải khí nhà kính. Kết quả ứng dụng mô hình GEM cho thấy, về tăng trưởng kinh tế, khi thực hiện các biện pháp trong NDC có mức tăng trưởng GDP, thu ngân sách Nhà nước của cao hơn so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia, đặc biệt trong kịch bản có điều kiện. Đối với yêu cầu vốn đầu tư, khi thực hiện các biện pháp trong NDC có mức đầu tư cao hơn so với BAU. Bên cạnh đó, các biện pháp giảm nhẹ trong NDC 2022 còn gớp phần tạo việc làm và cơ hội mới, trong đó khi thực hiện các biện pháp trong NDC thúc đẩy tạo nhiều việc làm xanh hơn so với BAU. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp trong NDC còn làm giảm tỷ lệ thất nghiệp so với BAU…

Quang cảnh Hội thảo

    Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, các thông tin và mức độ đáp ứng số liệu của mô hình GEM rất hữu ích trong việc đánh giá tác động của các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mô hình này dễ xây dựng sơ đồ nhân quả và mô phỏng kịch bản; Phù hợp các hệ thống phức tạp với nhiều vòng phản hồi; Cho phép mô phỏng dài hạn và kiểm tra các kịch bản "what-if", tuy nhiên, có thể dẫn đến sai số nếu mô hình không được hiệu chỉnh tốt. Do đó, nhóm nghiên cứu cần có dữ liệu chi tiết, tỉ mỉ, đầy đủ hơn để hoàn thiện và tăng khả năng ứng dụng của mô hình GEM tại Việt Nam trong thời gian tới.  

Hương Mai

Ý kiến của bạn