Banner trang chủ

Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

12/07/2024

    Ngày 12/7/2024, tại Quảng Ninh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCSTN&MT) đã phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation tổ chức Hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và Thực thi” nhằm thảo luận về các chính sách, thách thức và giải pháp thực thi hiệu quả trong quản lý chất thải rắn tại Việt Nam.

    Kinh tế tuần hoàn là một chu trình khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mỡ tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Phát triển kinh tế tuần hoàn là sáng kiến nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế và được xem là một trong các phương thức giúp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với BVMT; là con đường tiến tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện CLCSTN&MT phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện CLCSTN&MT cho biết, tại Việt Nam, khái niệm kinh tế tuần hoàn được Chính phủ quy định cụ thể trong điều 142, Luật BVMT năm 2020 và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Qua đó, thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...­

    Theo ước tính, trong gGiai đoạn 2016-2021, lượng CTRSH phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16 % mỗi năm. Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30-45%. Bên cạnh đó, tvẫn còn khoảng 10% lượng chất thải nguy hại hiện vẫn chưa được thu gom, xử lý. Đồng thời, việc xử lý chất thải rắn hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế; việc áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, đặc biệt là công nghệ biến chất thải thành năng lượng, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Lê Anh Vũ, đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

    Chia sẻ về một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn tại Việt Nam, ông Lê Anh Vũ, đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation Việt Nam cho rằng, nâng cao khả năng xử lý chất thải bằng phương pháp tái sử dụng, tái chế chất thải để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp… từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường. Ngoài ra, cần khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thảo bền vững và tăng cường khả năng kỹ thuật số và hỗ trợ cho các nhà khoa học…

    Là địa phương nằm trong nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, ông Đoàn Duy Vinh, Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, BVMT, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 – 2030 đã xác định mục tiêu Tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành điển hình trong thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về tiêu chí tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Trong đó, ưu tiên xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để: đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh.

Quang cảnh Hội thảo

    Chia sẻ kinh nghiệm thu gom rác thải tại vịnh Hạ Long, đại diện BQL Vịnh Hạ Long cho biết, ngoài việc tổ chức thu gom rác thải tại khu vực ven bờ, vùng đệm vùng và khu vực vùng lõi Di sản vịnh Hạ Long, BQL vịnh cũng thường xuyên tổ chức ra quân thu gom rác thải trôi nổi trên mặt nước, điểm tham quan và lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh. Bên cạnh đó, xây dựng khung chế tài xử phạt, tích cực tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân và khách du lịch về ý thức BVMT, thực hiện phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định.

Các đại biểu thảo luận về thách thức và giải pháp thực thi hiệu quả trong quản lý chất thải rắn tại Việt Nam.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các báo cáo nghiên cứu và giới thiệu một số mô hình thành công trong quản lý chất thải, đồng thời, tại các phiên thảo luận nhóm, các đại biểu đã có dịp trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn…

    Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. Hiện tại, Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH nhằm thúc đẩy công tác thực thi BVMT được tốt hơn, đồng thời khuyến khích các ngành kinh tế theo hướng tuần hoàn, TS, Mai Thanh Dung cho biết thêm.

Phùng Quyên - An Bình

Ý kiến của bạn