Banner trang chủ

Một số kết quả nổi bật năm 2021 và định hướng công tác bảo vệ môi trường năm 2022

28/01/2022

    Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tác động toàn diện, sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực môi trường; đồng thời cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 với nhiều cơ chế, chính sách mới có tính chất đột phá. Trong bối cảnh đó, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ TN&MT, sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Môi trường, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và mỗi người dân, công tác BVMT đã đạt những kết quả tích cực trên nhiều mặt, trong đó nổi bật là:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT, bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và đa dạng sinh học (ĐDSH); chuẩn bị tốt các điều kiện và hành lang pháp lý cần thiết để bảo đảm triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020

    Năm 2021, Tổng cục Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 về đánh sơ bộ tác động môi trường, Nghị định số 55 ngày 24/5/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT để tạo sự đồng bộ với các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến BVMT, không tạo ra khoảng trống pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính theo chủ trương của Chính phủ; trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường. Đặc biệt, Tổng cục đã tập trung cao độ mọi nguồn lực để xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật BVMT năm 2020. Trong đó chú trọng nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; tổ chức các Hội thảo trực tuyến, lắng nghe đầy đủ ý kiến của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan do Bộ trưởng Bộ TN&MT chủ trì để hoàn thiện, thống nhất Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Kế hoạch, 2 Đề án, 1 Chỉ thị; xem xét để ban hành 1 Đề án, 2 Chỉ thị để thúc đẩy công tác BVMT, BTTN và ĐDSH.

TS. Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính về môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

    Tổng cục đã hoàn thành và đưa vào triển khai 29 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 1 dịch vụ công mức độ 3; 2 dịch vụ công mức độ 2 để giải quyết các thủ tục hành chính về môi trường trên Cổng dịch vụ công của Bộ TN&MT. Trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành các quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính, trong đó quy định rõ trình tự, thời gian, trách nhiệm của từng đầu mối, từng khâu để theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện. Trong năm 2021, Tổng cục đã tiếp nhận 1.760 hồ sơ thủ tục hành chính; giải quyết và trả kết quả 802 hồ sơ, thông báo kết quả thẩm định, kiểm tra đối với 607 hồ sơ; các hồ sơ còn lại đang được xử lý theo đúng quy định. Công tác giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép, công nhận, chứng nhận về môi trường đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chất lượng, góp phần phòng ngừa, kiểm soát tác động xấu đến môi trường, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ động, linh hoạt trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa bảo đảm kiểm soát tốt các vấn đề môi trường

    Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển theo Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục đã chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch thanh tra theo hướng tạm dừng triển khai các cuộc thanh tra chưa cần thiết, chỉ tập trung thanh tra đối với một số cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT theo phản ánh của dư luận, báo chí. Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của dường dây nóng về ÔNMT, Tổng cục đã trình Lãnh đạo Bộ xem xét ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT theo hướng liên thông đến cấp huyện, sử dụng phần mềm tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin, vụ việc. Trong năm 2021, đường dây nóng đã tiếp nhận 450 thông tin phản ánh về ÔNMT trên phạm vi cả nước, trong đó 93% số vụ việc đã được các cơ quan xác minh, xử lý, 7% số vụ việc còn lại đang được các địa phương xử lý theo thẩm quyền.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; tăng cường công tác quản lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường; BTTN và ĐDSH

    Tổng cục tiếp tục duy trì tốt hoạt động giám sát môi trường, tổ chức làm việc đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ÔNMT cao nhằm bảo đảm an toàn về môi trường trong quá trình hoạt động; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố, ÔNMT, thực hiện tốt công tác quản lý, xử lý chất thải y tế, cải thiện chất lượng môi trường trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong năm 2021 ghi nhận không xảy ra các sự cố môi trường lớn, tác động xấu đến người dân và môi trường sinh thái. Đồng thời hoàn thành việc tổng kết đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai các Kế hoạch, Đề án về BVMT trong giai đoạn đến năm 2020 như: Kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; Kế hoạch phòng ngừa xử lý ÔNMT do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước; các Đề án BVMT lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai và đề xuất định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Kế hoạch, Đề án này cho giai đoạn tiếp theo. Tổng cục Môi trường cũng đã tổ chức thực hiện xây dựng và công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; hoàn thiện Báo cáo công tác BVMT năm 2020 gửi Đại biểu Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV; lần đầu tiên phối hợp với Ban Thường trực, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành việc đánh giá và công bố xếp hạng kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT năm 2020 của các địa phương.

    Đến nay, đã có 85% cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng được xử lý triệt để, các cơ sở còn lại được xử lý theo quy định của pháp luật. 263/290 khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung (tăng 13,34% so với năm 2016); đối với các khu công nghiệp còn lại đều đã buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thứ cấp trong khu công nghiệp tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng mạng lưới giám sát chất lượng môi trường và hoạt động xả thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thông qua hệ thống công nghệ trực tuyến. Đến nay, trên phạm vi cả nước đã lắp đặt và vận hành 152 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; kết nối dữ liệu giám sát của 1.221 hệ thống quan trắc phát thải tự động, liên tục của doanh nghiệp. Năm 2021, UNESCO đã công nhận mới 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới là Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam. Tổng cục đề cử danh hiệu khu Ramsar cho vùng đất ngập nước Bắc Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), danh hiệu Vườn Di sản ASEAN cho VQG Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu; tham mưu Bộ TN&MT xét duyệt và tổ chức vinh danh cho 5 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020.

Bước đầu hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin môi trường kết nối đồng bộ, liên thông

    Để chuẩn bị điều kiện cần thiết triển khai quy định về hệ thống thông tin và dữ liệu môi trường của Luật BVMT, tham gia thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Môi trường đã chủ động ban hành và triển khai Chương trình chuyển đổi số của Tổng cục Môi trường giai đoạn 2021 - 2025; đến nay đã bước đầu tích hợp, cập nhật dữ liệu về kết quả kiểm tra, thanh tra môi trường, BVMT làng nghề, hồ sơ thẩm định và ĐTM, quản lý chất thải nguy hại, ĐDSH; tiến tới việc hình thành cơ sở dữ liệu, thông tin môi trường kết nối đồng bộ, liên thông phục vụ thi hành Luật BVMT.

    Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025; dự báo tình hình kinh tế -xã hội quốc tế và trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó có lĩnh vực môi trường. Năm 2022, cũng là năm đầu tiên triển khai Luật BVMT năm 2020 với rất nhiều cơ chế, chính sách mới, tạo nền tảng thúc đẩy tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác BVMT trong thời gian tới. Kế thừa những kết quả quan trọng đã đạt được, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Tổng cục Môi trường xác định mục tiêu tổng quát: Tập trung triển khai Luật BVMT năm 2020 với trọng tâm là lấy bảo vệ sức khỏe người dân làm ưu tiên hàng đầu; đưa nhanh các chính sách mới của Luật đi vào cuộc sống. Đảo ngược xu thế suy thoái, ÔNMT thông qua việc giảm thiểu phát sinh, tăng cường phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, tận dụng tối đa giá trị của chất thải; thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương, cơ sở. Huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xử lý triệt để, khắc phục, cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu, lưu vực sông bị ô nhiễm. Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, BTTN và ĐDSH. Triển khai đồng bộ các công cụ quản lý môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dựa trên việc phân loại theo tiêu chí về môi trường; thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có tại dự án, cơ sở để sàng lọc, ngăn ngừa từ sớm, từ xa việc du nhập các công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu, ÔNMT vào Việt Nam.

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam được UNESCO đã công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2021

    Để đáp ứng mục tiêu đặt ra, trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:

    Một là, tổ chức triển khai bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về BVMT theo Luật BVMT năm 2020, đặc biệt là các quy định mới, lần đầu tiên triển khai áp dụng như quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có; BVMT di sản thiên nhiên; giấy phép môi trường; phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…

    Hai là, kết hợp đồng bộ, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về BVMT từ ĐTM, giải quyết thủ tục hành chính, cấp giấy phép môi trường, thanh tra kiểm tra; tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ứng phó xử lý kịp thời đối với các vụ việc, sự cố môi trường phát sinh, đảm bảo các cơ sở, dự án hoạt động an toàn về môi trường.

    Ba là, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch BVMT quốc gia, Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia, Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo quy định của Luật BVMT năm 2020 như các quy chuẩn về quản lý chất thải, khí thải phương tiện giao thông vận tải, giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị. Rà soát, xây dựng các quy trình kỹ thuật, định mức đơn giá phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT.

    Bốn là, tăng cường công tác quản lý chất thải rắn theo hướng tập trung thống nhất, trong đó tập trung quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý CTRSH, nhất là về thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn. Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…), chú trọng triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ÔNMT không khí và Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, BVMT.

    Năm là, đẩy mạnh các hoạt động BTTN và ĐDSH. Triển khai có hiệu quả các quy định về BVMT di sản thiên nhiên; thúc đẩy các hoạt động phục hồi thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; triển khai thực hiện đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia.

    Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về BVMT, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong công tác BVMT phù hợp với điều kiện kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT theo Luật BVMT năm 2020 tới các đối tượng thực hiện theo các hình thức phù hợp; tiếp tục phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong BVMT; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, người dân trong công tác BVMT. 

TS. Nguyễn Văn Tài

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn