Banner trang chủ

Một số giải pháp tăng cường công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng

08/12/2021

    Ngày 3/12/2021, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT và một số giải pháp tăng cường công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng. 14 Sở TN&MT và UBND các quận, huyện trực thuộc các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã tham dự Hội thảo theo hình thức trực tuyến.

    Ngày 10/10/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng nhằm phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong thực hiện công tác BVMT, tạo bước chuyển biến trong xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường. Tiếp đó, ngày 28/12/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 1730/QĐ-TCMT về quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin qua đường dây nóng.

    Theo Báo cáo Sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT, Tổng cục Môi trường và 100% các địa phương trên cả nước đã thiết lập đường dây nóng về ô nhiễm môi trường (ÔNMT). Từ khi được thiết lập đến hết tháng 6/2021, đường dây nóng về ÔNMT của Tổng cục Môi trường và của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiếp nhận 4.149 thông tin từ các tổ chức, cá nhân phản ánh đối với 3.918 vụ việc về ÔNMT, trong đó, đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT tại Trung ương và địa phương đã tiến hành xác minh đối với 3.843/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 98%); xử lý 3.675/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 93%) và thực hiện phản hồi thông tin 3.328/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 85%). Kể từ khi đi vào hoạt động, hệ thống đường dây nóng trở thành kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản ánh kịp thời về các hành vi gây ÔNMT, các điểm “nóng" môi trường trên địa bàn đến các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT. Đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước về BVMT nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường để có giải pháp xử lý các hành vi, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các điểm “nóng" về môi trường phát sinh trên địa bàn. Từ đó, huy động được sự quan tâm, vào cuộc, tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT các cấp, từ Trung ương đến địa phương; phát huy hơn nữa vai trò người dân đối với công tác BVMT, nhất là các vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như rác thải, nước thải, khí thải, tiếng ồn. Qua công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý các vụ việc ô nhiễm môi trường được phản ánh thông qua đường dây nóng và qua phương tiện truyền thông, báo chí, ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT ngày càng được nâng lên (tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý tăng dần theo thời gian, cụ thể: năm 2018, tỷ lệ vụ việc được xác minh là 54%, xử lý 43%; đến năm 2020, tỷ lệ này đã được nâng lên lần lượt là 79% và 71%; đến nay tỷ lệ vụ việc được xác minh, xử lý đã đạt 98% và 93%). Bên cạnh đó, hoạt động của đường dây nóng cũng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở, hộ gia đình sản xuất được phản ánh qua đường dây nóng (tỷ lệ các vụ việc được phản ánh và phản ánh nhiều lần qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường giảm dần theo các năm).

Đại biểu tham dự Hội thảo tại các điểm cầu các Sở TN&MT, UBND các quận, huyện của 14 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

    Tuy nhiên, thực tế triển khai Hệ thống đường dây nóng từ cấp Trung ương đến địa phương cũng còn một số hạn chế nhất định như việc thiết lập, tổ chức đường dây nóng tại các địa phương chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đầu mối, chưa đúng quy định; Nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, ghi nhận thông tin vào Sổ nhật ký, gây khó khăn cho công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện; Việc công bố, công khai thông tin, kết quả xử lý chưa được kịp thời; Hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ÔNMT được phản ánh qua đường dây nóng ở một số địa phương còn thấp, đa phần mới dừng lại ở mức xử lý thông tin, chưa chú trọng xử lý vụ việc, dẫn đến một số vụ việc chưa được xử lý thỏa đáng, người dân tiếp tục thực hiện phản ánh lại nhiều lần… Do vậy, tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng, cần thiết phải thực hiện tiếp tục kiện toàn, mở rộng phạm vi hoạt động của đường dây nóng tối thiểu đến cấp huyện; căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, có thể thiết lập đường dây nóng đến cấp xã; nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động, vận hành đường dây nóng (Thống nhất cách thức, trình tự thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng; bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị và kinh phí thường xuyên để phục vụ hoạt động của đường dây nóng, đảm bảo tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng thông suốt, thống nhất và hiệu quả).

    Để giải quyết những hạn chế, bất cập hiện hành, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống đường dây nóng về ÔNMT trên phạm vi cả nước, đặc biệt nhằm thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 159 Luật BVMT năm 2020 về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường các cấp trong việc xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường đề xuất Dự thảo “Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT" do Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành. Việc ban hành Quy chế nhằm thống nhất nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng về ÔNMT; Thực hiện phân loại cụ thể thông tin được phản ánh đến đường dây nóng để phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xác minh thông tin và xử lý vụ việc nhằm đảm bảo việc xác minh thông tin và xử lý vụ việc nhanh chóng, thống nhất và hiệu quả.

    Tổng cục Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của 63/63 Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tại Công văn số 1628/TCMT-VPTC ngày 15/6/2021) và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Bản dự thảo Quy chế sau khi tiếp thu các ý kiến gồm 16 Điều; trong đó, Chương I. Quy định chung gồm 8 Điều (Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; mục tiêu; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng; phân loại thông tin đường dây nóng; phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng; nội dung thông tin); Chương II. Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng về ÔNMT, gồm 4 Điều (Tiếp nhận thông tin; xác minh thông tin; xử lý vụ việc; phản hồi và công khai thông tin) và Chương III. Tổ chức thực hiện gồm 4 Điều (Tổ chức quản lý, vận hành đường dây nóng; trách nhiệm của Bộ TN&MT; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; Điều khoản thi hành). Dự thảo Quy chế được hoàn thiện theo hướng quy định rõ nội dung, cách thức, trình tự thực hiện và phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin đường dây nóng của các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương, có tính đến sự phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; đảm bảo tính khả thi khi áp dụng và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Châu Long

Ý kiến của bạn