11/07/2025
Ngày 11/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ. Tới dự Hội thảo có ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; và sự tham gia của gần 70 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế, quỹ, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, hóa chất và y tế.
Ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy, cũng như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định các nội dung về mua sắm xanh để hướng đến mua sắm, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái, tăng cường các cơ chế tài chính xanh trong thời gian tới. Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, Dự án sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý môi trường, giảm thiểu phát thải các chất POP, các chất POP phát sinh không chủ định (U-POP) và thủy ngân thông qua hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý vòng đời sản phẩm. Dự án cũng thúc đẩy các giải pháp tài chính xanh, hệ thống nhãn sinh thái, mua sắm xanh và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn và tiêu dùng bền vững.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam là quốc gia tích cực trong các nỗ lực quản lý các chất POPs và hóa chất nguy hại khác. Điều này thể hiện rõ qua việc Việt Nam đã tham gia ký Công ước Stockholm năm 2001 và Công ước Minamata năm 2013 với quyết tâm giảm thiểu rủi ro hóa chất trong nước. Dự án “Giảm phát thải và tác động của thủy ngân và POPs tại Việt Nam thông qua cách tiếp cận vòng đời và nhãn sinh thái” được khởi động hôm nay có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam. Dự án này trực tiếp xử lý các vấn đề hiện tại và đáp ứng yêu cầu mới của Công ước Stockholm. Đồng thời, Dự án cũng phù hợp với khung pháp lý hiện hành của Việt Nam, bao gồm Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các nghị định hướng dẫn, cụ thể là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP..
Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều chất POP như PBDEs, PFOS, HBCDD, SCCP... tuy không được sản xuất trong nước nhưng vẫn đang được nhập khẩu và sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, nhựa, mạ kim loại, vật liệu cách nhiệt và dệt may. Trong khi đó, các quy định và cơ chế khuyến khích để chuyển đổi sang một nền sản xuất không sử dụng và phát thải các chất POP còn chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, thủy ngân cũng đang hiện diện phổ biến trong các thiết bị y tế như nhiệt kế, huyết áp kế và bóng đèn huỳnh quang. Hiện hệ thống thu gom, phân loại và xử lý an toàn các sản phẩm chứa thủy ngân sau khi hết hạn sử dụng còn chưa được đồng bộ nên vẫn còn nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường.
Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn hai công ước quốc tế quan trọng nhằm kiểm soát ô nhiễm hóa chất: Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (năm 2001) và Công ước Minamata về thủy ngân (năm 2013). Tuy nhiên, trong thực tế, các hóa chất này vẫn tiếp tục được sử dụng, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như nhựa, sơn, xi mạ, vật liệu cách nhiệt, và thiết bị y tế.
Đại diện Cục Môi trường trình bày báo cáo Quản lý kiểm soát các chất POP theo vòng đời và nhãn sinh thái tại Việt Nam
Việc khởi động Dự án đúng vào thời điểm Công ước Stockholm vừa thông qua việc loại bỏ thêm ba nhóm hóa chất độc hại toàn cầu (chlorpyrifos, PFCAs chuỗi dài, MCCP) càng cho thấy tính cấp thiết và phù hợp của Dự án trong bối cảnh Việt Nam cần nhanh chóng cập nhật các quy định và chính sách quốc gia về quản lý hóa chất độc hại.
Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng bền vững (SCP) thông qua việc giảm thiểu sử dụng và phát thải các chất POP, các chất POP mới, các chất POP phát sinh không chủ định (U-POP) và Hg trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm thuộc một số ngành công nghiệp điển hình bằng các công cụ nhãn sinh thái, cơ chế tài chính xanh và mua sắm xanh. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Dự án là tăng cường hiệu quả hoàn thiện và thực thi cơ chế chính sách về quản lý các chất POPs, PTS (Hg...) và sản xuất, tiêu dùng bền vững (SCP); Thúc đẩy thực hiện giải pháp kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho các ngành công nghiệp điển hình; Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực về quản lý an toàn các chất ô nhiễm (POP, Hg...) và SCP.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận như giới thiệu về tổng quan Dự án; báo cáo khởi động Dự án; Quản lý kiểm soát các chất POP theo vòng đời và nhãn sinh thái tại Việt Nam; Giới thiệu hoạt động và cơ chế cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam. Sau đó, các đại biểu đã thảo luận, góp ý cho kế hoạch triển khai Dự án, tập trung vào các nội dung: đánh giá hiện trạng sử dụng POP và thủy ngân trong một số ngành công nghiệp điển hình tại Việt Nam, thúc đẩy các giải pháp công nghệ và tài chính chuyển đổi, cũng như lộ trình triển khai nhãn sinh thái và tiêu dùng xanh.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Dự án sẽ được triển khai trong vòng 4 năm, với ngân sách hơn 4,6 triệu đô la Mỹ tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và nguồn đối ứng trong nước là 28,5 triệu đô la Mỹ. Dự án do Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì thực hiện, với sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cộng đồng.
Quang cảnh Hội thảo
Nguyễn Hằng