Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của Thanh niên

01/03/2024

    Ngày 28/2/2024, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn với chủ đề Giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) đại dương: Trách nhiệm và hành động của Thanh niên. Sự kiện do Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức về BVMTT và xác định rõ vai trò nòng cốt của đoàn viên thanh niên trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần; gương mẫu thực hiện việc tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đặng Quốc Khánh - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng đang là vấn đề của toàn cầu. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất. Đặc biệt, ô nhiễm RTN là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới, để giải quyết cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, Đoàn thanh niên Bộ TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Giảm thiểu RTN đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”, nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi ni lông khó phân hủy, ngay hôm nay và ngay bây giờ. Nhân dịp này, Bí thư Đoàn kêu gọi các cấp cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT, Đoàn thanh niên các liên chi thuộc đoàn Trường Đại học TN&MT, các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống RTN.

    Cụ thể, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Cùng với đó, phát động Phong trào “Chống RTN” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần trong đoàn Thanh niên các cấp trực thuộc Đoàn Bộ.

    Trình bày tham luận tại Diễn đàn, ông Phan Quốc Huy - Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Biển và Hải đảo đã làm rõ mối nguy hại to lớn mà rác thải  nhựa gây ra, trong đó vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang ngày càng nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, ông Phan Quốc Huy đưa ra cảnh báo và nhấn mạnh, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa vẫn không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tiêu thụ các sản phẩm đến từ nhựa, đi cùng với đó, nguy cơ rác thải nhựa cũng sẽ tăng cao.

    Ông Cao Hoàng Anh, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn RTN thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế RTN còn nhiều hạn chế khi có đến 90% RTN được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ RTN, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn RTN và túi ni lông. Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý RTN còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % trong số đó được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường, điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cam kết thực hiện chống RTN

    Từ thực tế trên, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh môi trường khích lệ các đoàn viên phát huy tinh thần sáng tạo. Các hoạt động nghiên cứu mô hình công sở xanh, sản phẩm thay thế nhựa, và sản phẩm tái chế từ RTN sẽ được đề xuất và triển khai để hạn chế sử dụng RTN và giảm thiểu việc thải nhựa vào môi trường. “Trong bối cảnh tình hình ô nhiễm nhựa càng ngày càng nhức nhối, các chương trình BVMT do Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT tổ chức đã đóng góp một phần quan trọng vào việc chống lại thảm họa này. Đặc biệt, qua những hành động thiết thực, đoàn viên, thanh niên đã trở thành lực lượng tiên phong, là những tấm gương mẫu mực, kêu gọi cộng đồng tham gia vào cuộc chiến chống RTN, nhằm xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và hiện đại” - ông Cao Hoàng Anh đánh giá.

    Trong phần thảo luận, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tham dự đã chia sẻ, trao đổi về những sáng kiến, cách làm hay trong các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội chung tay chống RTN, cùng với đó là đề xuất một số giải pháp để giải bài toán ô nhiễm nhựa, đặc biệt là RTN đại dương trong thời gian tới. Đa số các đại biểu đều cho rằng, để hạn chế và giảm thiểu RTN, các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Về phía Đoàn thanh niên các cấp, cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần nhằm hạn chế xả ra môi trường, góp phần bảo vệ đại dương...

Đức Anh

Ý kiến của bạn