Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Cần có hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố nước thải, khí thải và phục hồi môi trường nước thải

01/12/2023

    Ngày 1/12/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố nước thải, khí thải và phục hồi môi trường nước thải”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng; PGS.TS Phạm Văn Lợi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo; TS. Phạm Việt Đức - Phó Viện trưởng Viện Hóa học môi trường quân sự; đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Cảng vụ Hàng hải, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh/thành, Ban quản lý KCN, KCX, KCNC, CCN, doanh nghiệp.... các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho biết: Trong thời gian gần đây, các sự cố do chất thải nghiêm trọng từ hoạt động của các cơ sở sản xuất ngày càng có xu hướng gia tăng, song công tác phòng ngừa, ứng phó tại các cơ sở sản xuất lại gặp nhiều khó khăn do thiếu các hướng quy chuẩn kỹ thuật trong phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Điển hình một số sự cố chất thải đã xảy ra trong thời gian gần đây như: sự cố khí thải ở Nhiệt điện Vĩnh Tân; Sự cố nước thải ở Nhà máy Mía đường Hòa Bình làm chết cá trên sông Bưởi tại Thanh Hóa; Sự cố nước thải Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; Sự cố nước thải nhà máy đường Hậu Giang làm ô nhiễm sông Hậu và ảnh hưởng đến nguồn nước (8/2020); Sự cố chất thải bùn Boxit Tây Nguyên... Hậu quả dẫn đến làm môi trường đất, nước, không khí nơi xảy ra sự cố bị ô nhiễm nghiêm trọng và gây ra nhiều thiệt hại đến môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, đời sống, kinh tế xã hội và sức khỏe con người...

PGS.TS Phạm Văn Lợi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo

và TS. Phạm Việt Đức - Phó Viện trưởng Viện Hoá học môi trường quân sự đồng chủ trì Hội thảo

    Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nói chung và sự cố chất thải nói riêng là một vấn đề cấp bách đang được quan tâm của Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, địa phương và đặc biệt là các cơ sở sản xuất, KCN, KCX, KCNC, CCN và đã được qui định tại Luật BVMT 2020. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) để các cấp có cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa sự cố hiệu quả giúp ngăn ngừa các sự cố nước thải, khí thải lớn xảy ra, đặc biệt là cấp cơ sở (cơ sở sản xuất) nơi thường xuyên có nguy cơ xảy ra các sự cố. Đồng thời, giúp các cấp tổ chức và phối hợp thực hiện tốt công tác ứng phó sự cố nước thải, khí thải theo các tình huống đã xây dựng khi xảy ra (đặc biệt là cấp cơ sở). Do đó, Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) và phục hồi môi trường giúp xác định các thành phần chính của một kế hoạch phòng ngừa, ứng phó. Các kế hoạch ứng phó phải xác định được các mối nguy tiềm ẩn, phát triển các hệ thống phòng ngừa sự cố, cung cấp các giải pháp thích hợp để giảm thiểu rủi ro và phương án ứng phó giảm các tổn thất và thiệt hại do các sự cố đó gây ra. Đồng thời hướng dẫn cụ thể việc phân công, trách nhiệm, phối hợp giữa các cấp trong phòng ngừa, ứng phó sự cố do nước thải, khí thải.

TS. Bùi Hoài Nam - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo giới thiệu Dự thảo

Tài liệu hướng dẫn và nội dung phòng ngừa sự cố nước thải, khí thải

    Trình bày dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa sự cố nước thải, khí thải: TS. Bùi Hoài Nam - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trình bày giới thiệu Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật bao gồm 4 phần: (I) Giới thiệu chung; (II) Nội dung hướng dẫn Phòng ngừa sự cố chất thải (nước thải, khí thải) cấp cơ sở (cơ sở sản xuất), cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Quốc gia; (III) Nội dung hướng dẫn ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Quốc gia; (IV) Nội dung hướng dẫn Phục hồi môi trường sau sự cố nước thải (cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Quốc gia). Hướng dẫn này không áp dụng đối với các sự cố khác như sự cố chất thải rắn, sự cố thiên tai, hỏa hoạn, sự cố hóa chất, tràn dầu, sự cố rò rỉ phóng xạ, hạt nhân (đã được ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật riêng). Đối tượng của hướng dẫn kỹ thuật gồm: (1) các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ dịch vụ thuộc 17 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung của các KCN, KCX, KCNC, CCN; (2) UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Trong đó, làm rõ quy định trong Luật BVMT 2020 và các quy định, trách nhiệm của các cấp liên quan đến phòng ngừa sự cố môi trường nói chung và sự cố chất thải (phần nước thải, khí thải) nói riêng; Quy trình phòng ngừa sự cố nước thải, khí thải của từng cấp được xây dựng và cách xác định, phân loại theo các mức độ rủi ro để có giải pháp phòng ngừa, kiểm soát; xây dựng kịch bản tác động của sự cố theo các mức độ; phương án kiểm tra, giám sát; tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan…

TS. Doãn Giang - Viện Hoá học môi trường quân sự giới thiệu phần hướng dẫn kỹ thuật ứng phó sự cố

    Về phần Hướng dẫn kỹ thuật ứng phó sự cố nước thải, khí thải và phục hồi môi trường sau sự cố nước thải, TS. Doãn Giang - Viện Hóa học môi trường quân sự trình bày nguyên tắc phân cấp ứng phó sự cố nước thải, khí thải theo Điều 4 Quyết định số 09/2020/QĐ- TTg ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải, sự cố chất thải được phân theo mức độ và phân cấp ứng phó sự cố từ cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Quốc gia và Quyết định số 146/QĐ-TTg về Kế hoạch UPSCCT 2023-2030. Đồng thời, giới thiệu một số tình huống cơ bản trong phân cấp ứng phó sự cố nước thải, khí thải; Xây dựng kịch bản, tình huống xảy ra theo các mức độ để đưa ra giải pháp, kỹ thuật ứng phó sự cố nước thải, khí thải với các mức sự cố rủi ro thấp - trung bình – cao và rất cao. TS. Doãn Giang đã nêu một số ví dụ điển hình với xảy ra sự cố nước thải, khí thải gần đây để các đại biểu hiểu rõ hơn về quy trình thực hiện khi thực tế xảy ra để có sự phối hợp triển khai hiệu quả ứng phó khi xảy ra. Theo đó, tuỳ vào tình hình thực tế tại hiện trường các cấp được phân công sẽ có biện pháp đánh giá tình huống, thiết lập sở chỉ huy, tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố (theo kịch bản, phương án đã xây dựng được các cấp phê duyệt và điều chỉnh, bổ sung hàng năm)...

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao đơn vị soạn thảo đã chuẩn bị Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật rất công phu, chi tiết và rõ ràng. Tuy nhiên, một số đại biểu ý kiến cần làm rõ tài liệu khuyến khích áp dụng hay tài liệu bắt buộc; Đề xuất hướng dẫn UBND các tỉnh/thành xây dựng và ban hành danh mục đối tượng bắt buộc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải, cần làm rõ trách nhiệm đơn vị nào chủ trì ứng phó, đơn vị tham mưu để đề xuất mua sắm trang thiết bị và chuẩn bị nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ... Cần ban hành qui chuẩn cho danh mục trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải). Các điều khoản trích văn bản, qui định pháp luật cần khái quát, còn qui định cụ thể nên đưa vào phụ lục. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia ứng phó sự cố...

    Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Lợi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự. Theo PGS.TS. Phạm Văn Lợi, sau Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung tại Đà Nẵng ngày 26/11 và các tỉnh/thành phố khu vực miền Nam hôm nay, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, bổ sung, hoàn thiện Tài liệu hướng dẫn để sớm trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành trong năm 2024.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn