Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 11/10/2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Ký kết Chương trình phối hợp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 - 2027

29/03/2024

    Ngày 28/3/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) Hà Thị Nga đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ, nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) giai đoạn 2024 - 2027. Tham sự Lễ ký kết có đại diện các cơ quan chuyên môn của hai bên. Mục đích của Lễ ký kết nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý CTRSH trên địa bàn toàn quốc thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng mô hình về quản lý CTRSH, đặc biệt là nội dung về phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân, góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen phân loại CTRSH, từ đó giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, coi chất thải là tài nguyên, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và đảm bảo môi trường bền vững.

Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga phát biểu tại Lễ ký kết

    Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga chia sẻ, trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của Việt Nam, giới và môi trường nói chung, phụ nữ và môi trường nói riêng là một trong những vấn đề xuyên suốt, đồng thời là mục tiêu quan trọng được xác định. Trong công việc, cuộc sống hàng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái. Nhưng mặt khác, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng, là những nhà giáo dục đầu tiên trong công tác BVMT, bởi họ là người trực tiếp sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh, chăm sóc cho gia đình… Vì vậy, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc ra quyết định liên quan đến quản lý rác thải không phải chỉ là mục tiêu bình đẳng giới, mà còn nhằm sử dụng hiệu quả tư duy, kỹ năng đa dạng của phụ nữ trong quản lý môi trường và phát triển bền vững. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của lực lượng phụ nữ, Hội LHPNVN xác định BVMT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ qua, thông qua Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Phong trào “Chống rác thải nhựa”. Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo đã được các cấp Hội tích cực triển khai và phát huy hiệu quả, tiêu biểu như thu gom, phân loại, xử lý rác thải; tái chế rác thải nhựa… đã và đang góp phần tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng; khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội trong công tác BVMT.

    Chủ tịch Hà Thị Nga thông tin, Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng xác định, bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững. Ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa 11 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”, khẳng định “lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Với định hướng đó, Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ TN&MT và Hội LHPNVN là việc làm mang ý nghĩa to lớn, là sự cụ thể hóa Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, góp phần thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020 về phân loại CTRSH tại nguồn (với 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH).

    Qua đó, Chủ tịch Hà Thị Nga cam kết, thời gian tới, Hội LHPNVN sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng, thiết thực để nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ và nhân dân trong BVMT nói chung và công tác phân loại, thu gom, tái chế rác thải nói riêng; chủ động xây dựng các mô hình về BVMT, phân loại CTRSH; tiếp tục nghiên cứu, đóng góp, đề xuất chính sách phù hợp, giúp phụ nữ tham gia hiệu quả các hoạt động BVMT; đưa những hành động BVMT thiết thực, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn trở thành thói quen, thành nếp sống văn hóa của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu

    Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hội LHPNVN trong công tác BVMT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhận định, với vai trò là tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam, Hội LHPNVN là một trong những tổ chức đặc biệt tích cực, đi đầu trong các hoạt động BVMT tại cộng đồng. Các mô hình phụ nữ thu gom phế liệu, “biến rác thành tiền”, “phân loại rác thải tại nhà”, “đổi rác thải nhựa mua bảo hiểm y tế”... đã khẳng định vai trò của phụ nữ cũng như sự đồng hành của Hội LHPNVN với Bộ TN&MT trong thời gian qua. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng, Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý CTRSH giai đoạn 2024 - 2027 giữa hai bên sẽ thực sự phát huy hiệu quả, thu hút toàn thể nhân dân tham gia vào công tác quản lý CTRSH nói riêng, công tác BVMT nói chung, thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại CTRSH; phát động phong trào xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn; lựa chọn các điểm sáng, gương điển hình trong công tác quản lý chất thải, phân loại CTRSH…

    Theo đó, Chương trình phối hợp giữa Bộ TN&MT và Hội LHPNVN sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm sau: (1)Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại CTRSH tại các cấp Hội Phụ nữ; trên hệ thống truyền thông của Hội LHPNVN (Cổng thông tin điện tử, Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tờ Thông tin Phụ nữ, fanpage của Hội LHPNVN, fanpage Phụ nữ sống xanh và hệ thống fanpage của các tỉnh/thành Hội) và trên hệ thống truyền thông của Bộ TN&MT. (2) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sự kiện phù hợp về quản lý chất thải, phân loại CTRSH trong các chiến dịch, sự kiện lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6); Tuần lễ quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường (từ ngày 29/4 - 6/5); Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm); Ngày Quốc tế không rác thải (ngày 30/3 hàng năm)... (3) Vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, tổ chức, cơ sở thực hiện phân loại CTRSH; xây dựng các mô hình về phân loại CTRSH; lựa chọn nhân rộng một số mô hình, điểm sáng, gương điển hình về quản lý chất thải, phân loại CTRSH tại cơ sở để nhân rộng trên cả nước. (4). Tổ chức giám sát việc thực hiện phân loại CTRSH của hộ gia đình, cá nhân hội viên, phụ nữ.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga

ký kết Chương trình phối hợp dưới sự chứng kiến của các đại biểu tham dự

    Để đảm bảo thông suốt quá trình phối hợp, hai bên phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể cho từng đơn vị và thống nhất sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, định kỳ hàng năng làm việc để giải quyết vướng mắc, tồn tại. Đồng thời, căn cứ nội dung Chương trình phối hợp, các cấp Hội, cơ quan, đơn vị trực thuộc mỗi bên liên quan trong lĩnh vực quản lý CTRSH cụ thể hóa việc thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị, cơ sở. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) và Ban Tuyên giáo (Hội LHPNVN) là hai đơn vị đầu mối tham mưu, tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp, có trách nhiệm định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch hành động, kinh phí thực hiện tuyên truyền và sơ kết kết quả thực hiện.

    Chương trình phối hợp có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, được triển khai tại các đơn vị liên quan trong lĩnh vực quản lý CTRSH và các cấp Hội.

Gia Linh

Ý kiến của bạn