Banner trang chủ

Xử lý ô nhiễm môi trường: Cần cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan

31/10/2018

     Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã làm rõ một số nội dung do các đại biểu Quốc hội nêu, liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường.

     Theo đó, Bộ TN&MT đã triển khai Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, trong đó có sông Nhuệ - sông Đáy. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, chưa bố trí đủ nguồn lực, công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt chưa đáp ứng nhu cầu. Từ góc độ này, Bộ trưởng khuyến nghị chính quyền địa phương đánh giá các nguồn thải và lựa chọn mô hình xử lý phù hợp. “Vấn đề công nghệ hiện nay không phải là khó, thực tế TP. Hà Nội đã có 2, 3 mô hình xử lý trên từng đoạn sông và các làng nghề, tập trung vào nước thải sinh hoạt. Với mô hình này, nếu  tính toán chi phí từ Nhà nước và có sự tham gia của các đối tượng, nhất là người dân tại các làng nghề sản xuất, thì chúng ta hoàn toàn có thể tính toán được việc xã hội hóa để xử lý” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 


Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

 

     Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm một số vấn đề cần giải quyết kịp thời, như quy trình thủ tục làm chậm việc thu hút nguồn lực xã hội hóa; trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư hạ tầng; xác định các doanh nghiệp có công nghệ và năng lực để xử lý; cơ chế để tính phí xử lý, trong đó có Nhà nước, người dân và bảo đảm được lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

     Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Chính phủ, Bộ TN&MT sẽ chịu trách nhiệm giải quyết từ các nguồn lực Trung ương, với các giải pháp thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, nhưng những địa phương liên quan cũng phải có trách nhiệm. Cần có cơ chế phối hợp giữa nguồn lực của Trung ương, địa phương và xã hội hóa.

     Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục làm đầu mối, phối hợp với các địa phương làm rõ trách nhiệm của từng bên trong nỗ lực chung tìm giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

     Đối với câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cụm, khu công nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện đã xây dựng, nhận dạng được các loại hình làng nghề gây ô nhiễm môi trường; trên 80% khu công nghiệp đầu tư hệ thống hạ tầng, trong đó có trên 10% đã lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động. Chính phủ cũng đã ban hành 4 Nghị định, trong đó quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm, nội dung kiểm soát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề của các địa phương. Hoạt động của làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều phải chấp hành và tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường; gắn với trách nhiệm quản lý của các Bộ liên quan: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương... Đặc biệt là vai trò của chính quyền cấp huyện trong quản lý môi trường - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

     Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, cần chấn chỉnh công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp, bởi có nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là các ngành tái chế công nghệ lạc hậu, không đáp ứng năng lực, chưa đầu tư các công trình xử lý môi trường. Bộ TN&MT cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT xem xét, đánh giá lại tiêu chí 17 về việc đáp ứng yêu cầu về BVMT đối với các làng nghề, cụm công nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các khu công nghiệp.

 

Bình Minh (Tổng hợp)

 

Ý kiến của bạn