Banner trang chủ

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

28/11/2017

     Ngày 27/11/2017, Bộ TN&MT tổ chức Họp báo thường kỳ quý IV/2017 về kết quả thực hiện công tác TN&MT trong 11 tháng và nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2007. Tham dự và chủ trì buổi Họp báo có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
     Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, Bộ TN&MT đánh giá cao sự phối hợp, tuyên truyền, đưa tin của báo chí về tài nguyên và môi trường; phản ánh những khó khăn, vướng mắc, các phản hồi của dư luận xã hội và thực tiễn đời sống, giúp cho Bộ TN&MT tiếp tục có những phát triển mới, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách quản lý tài nguyên và môi trường.

     Trong 11 tháng của năm 2017, Bộ TN&MT đã triển khai đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch tập trung vào các lĩnh vực có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, BVMT như: đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo, môi trường. Bộ đã tiến hành 24 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiếp nhận, phân loại, xử lý 3.235 lượt đơn, trong đó có 1.808 đơn đủ điều kiện xử lý (25 vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Bộ, còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương). Tính đến ngày 24/11/2017, Bộ đã trình và ban hành 60 văn bản. Chuẩn bị tốt các tài liệu cho Bộ trưởng tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đặc biệt chú trọng việc giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ; trả lời chất vấn Bộ trưởng của các Đại biểu Quốc hội, tập trung vào lĩnh vực: quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản. 
     Để kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Tổng cục: Biển và Hải đảo Việt Nam, Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Quản lý đất đai, Khí tượng Thủy văn, Môi trường. 
     Trong năm 2017, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính, Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020 được Bộ ban hành; công bố sẽ thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 đối với 58 dịch vụ công trực tuyến và ở mức độ 4 đối với 13 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Về lĩnh vực môi trường, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sơ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016 - 2020; Bộ đã tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt danh mục 30 bãi rác, 70 điểm ÔNMT do hóa chất bảo vệ thực vật đặc biệt nghiêm trọng cần ưu tiên xử lý triệt để; Thực hiện việc trực đường dây nóng 24/7, tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ÔNMT và chuyển các Sở TN&MT để xử lý theo thẩm quyền. Hiện Bộ TN&MT đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương đối với Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ÔNMT cao. 
     Giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải của Công ty FHS 
     Tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đã thông tin tới phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí về vấn đề xả khí thải tại lò thiêu kết của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) và Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải ngành công nghiệp sản xuất thép.Việc kiểm soát môi trường tại Công ty FHS đang được lực lượng chức năng thực hiện thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và hoạt động quan trắc chất thải định kỳ hàng ngày. Các số liệu quan trắc tự động, liên tục khí thải đều được theo dõi và truyền số liệu về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường. FHS đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của Xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 6/2019. Trong thời gian lắp đặt các thiết bị này, Bộ TN&MT yêu cầu FHS kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu sạch để không làm phát sinh chất ô nhiễm ra môi trường. Việc phát thải của FHS trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ TN&MT giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. 
     Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Riêng tại Xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT. Kết quả giám sát trong quá trình vận hành thử nâng công suất, FHS sẽ đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị xử lý đáp ứng nghiêm ngặt QCVN. 
     Hiện nay, để giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT, cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng không chỉ áp dụng Quy chuẩn của Việt Nam mà còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc. 
     Bên cạnh đó, đối với việc sửa đổi Quy chuẩn QCVN 51:2013/BTNMT, trong quá trình soát xét, rà soát và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến của Bộ TN&MT cho thấy, những vướng mắc, bất cập của QCVN 51:2013/BTNMT, trong đó có việc quy định hàm lượng ôxy tham chiếu là 7% nhưng không nêu rõ việc áp dụng cụ thể đối với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng là chưa hợp lý. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất các nội dung sửa đổi Quy chuẩn, trong đó có xem xét đến các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới để đảm bảo việc đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với BVMT.
     Liên quan đến quy chuẩn thải đối với Formosa, ông Thức cũng cho biết, đã rà soát và đề xuất sửa đổi 24 quy chuẩn về kiểm soát môi trường. Cùng với đó, đề xuất sửa đổi 3 quy chuẩn liên quan đến ngành thép (về khí thải, nước thải, trầm tích đáy). Quan điểm của chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT là các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường phải nghiêm ngặt, đảm bảo tính an toàn đối với con người và môi trường, có lộ trình áp dụng đối với các nhà máy cũ và dự án mới, phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế.
     Ghi tên người sử dụng trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp quyền sử dụng đất của chung hộ gia đình 
     Về quy định thêm tên thành viên trong sổ đỏ của hộ gia đình tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, ngày 29/9/017 của Bộ TN&MT ban hành, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai cho biết, trong quá trình xây dựng Thông tư, Bộ đã thực hiện theo đúng quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi xin ý kiến các địa phương, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TN&MT để lấy ý kiến rộng rãi; Bộ cũng đã gửi xin ý kiến của các Bộ: Tư pháp, NN&PTNT, Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
     Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT chỉ áp dụng đối với hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất (Hộ gia đình sử dụng đất được nêu tại Khoản 29, Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013), các đối tượng sử dụng đất còn lại vẫn áp dụng việc ghi tên người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận như trước đây. Thông tư quy định cụ thể, những người được ghi tên trên Giấy chứng nhận phải là thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ mà không phải là tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu. 
     Quy định này hướng tới bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Đồng thời không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Quy định này cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất như một số ý kiến đã nêu, vẫn áp dụng theo bộ thủ tục hành chính đã được công bố mà không phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào và đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự.
     Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
     Để thực hiện công tác quản lý TN&MT, Bộ TN&MT cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12/2017, tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ. Hướng dẫn địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về TN&MT ở địa phương. Ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT phục vụ công tác quản lý. Rà soát, điều chỉnh các chương trình điều tra cơ bản, định kỳ để điều chỉnh vốn đầu tư. Hoàn thành việc xác định danh mục các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình công tác năm 2018, các nhiệm vụ mở mới, đề tài nhiệm vụ KHCN năm 2018.
     Đối với lĩnh vực môi trường, khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định thi hành Luật  BVMT năm 2014, ban hành sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ số đánh giá xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố; Danh mục các cơ sở, dự án có nguy cơ cao gây ÔNMT, sự cố môi trường cần giám sát đặc biệt và thường xuyên; tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút, phê duyệt các dự án đầu tư. Ban hành quy trình nội bộ trong thẩm định, phê duyệt và hậu kiểm đánh giá tác động môi trường.Tiếp tục giám sát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm của Công ty FHS; quan trắc thường xuyên chất lượng môi trường biển miền Trung; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.

  Châu Loan

.

Ý kiến của bạn