Banner trang chủ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Hậu Giang không đánh đổi môi trường vì kinh tế

29/09/2017

     Ngày 28/9/2017, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

     Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng cho biết, Hậu Giang là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm tiểu vùng Tây Sông Hậu. Hiện tại, toàn tỉnh có 4.319 doang nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 45.447 tỷ đồng; Thu hút 489 dự án trong nước, tổng vốn khoảng 123.413 tỷ đồng và 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 809 triệu USD. Ngoài ra, còn có 5 dự án xác nhận ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn 1.030 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động.

 

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

và các đại biểu tham dự Hội nghị

 

     Với những lợi thế đặc trưng về khí hậu và địa lý, tỉnh Hậu Giang đã ổn định diện tích canh tác lúa 78.000 ha, vùng nguyên liệu mía 11.000 ha, vùng nguyên liệu khóm 2.000 ha, vùng cây ăn trái nhiệt đới 36.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản 11.000 ha.

     Hậu Giang hiện cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản trên thị trường cả nước như: Bưởi năm roi Phú Thành, bưởi hồ lô Phú Hữu, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, xoài cát Hòa Lộc, lúa Hậu Giang… 

     Tại Hội nghị, Hậu Giang đưa ra 7 dự án được kêu gọi đầu tư, với tổng vốn dự kiến 261 triệu USD, tổng diện tích đất phục vụ cho các dự án lên đến hơn 6.500 ha. Các dự án gồm: Chế biến gạo xuất khẩu với vùng lúa chất lượng cao; Đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tập trung Đông Phú - giai đoạn 1; Đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A; Đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 3; Khu dân cư thương mại khu vực 1, phường V, thành phố Vị Thanh; Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; Đầu tư hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

     Về lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư, Hậu Giang chú trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, các mặt hàng nông sản thực phẩm.

     Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, tỉnh ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, xây dựng các điểm và kết nối tuyến du lịch...

     Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan chia sẻ, từ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn nhiều thủ tục và các chính sách ưu đãi về đất đai của tỉnh, từ 12/2015, Tập đoàn Masan đã đầu tư nhà máy sản xuất bia tại Hậu Giang, công xuất 100 triệu lít mỗi năm vào hoạt động, cùng với nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, công suất 367.000 tấn/năm. Hiện Tập đoàn đã có hơn 10.000 lao động và trong thời gian tới, Masan sẽ tiếp tục với những khoản đầu tư lâu dài, đẩy mạnh trách nhiệm an sinh xã hội, BVMT tại địa phương.

     Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hậu Giang có nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú về nông sản, cây ăn quả, lúa chất lượng cao; Nhận được nhiều chính sách ưu đãi về đất, có sự chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, cùng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương… Để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Hậu Giang cần tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chú ý khai thác lợi thế và tiềm năng của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

     Bên cạnh đó, với đặc thù là tỉnh có tỉ trọng kinh tế nông nghiệp, nông thôn cao, Hậu Giang cần quan tâm đến công tác đào tạo lao động nông thôn, nhất là trong công tác dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động tại chỗ.

     Đồng thời, Lãnh đạo địa phương phải phát huy tính tiên phong, năng động trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào Hậu Giang.

     Ngoài ra, cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải lưu ý đến vấn đề môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường vì kinh tế.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chứng kiến

Lễ ký kết bản ghi nhớ giữa tỉnh Hậu Giang với các nhà đầu tư

 

     Nhân dịp này đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ giữa tỉnh Hậu Giang với các nhà đầu tư và trao các giấy chứng nhận chủ trương đầu tư với tổng trị giá khoảng 94.500 tỷ đồng.

     Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã đón nhận sự ủng hộ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long và các doanh nghiệp vào Quỹ An sinh - Phúc lợi xã hội của tỉnh.

 

Quỳnh Như

Ý kiến của bạn