Banner trang chủ

Tổng cục Môi trường: Tập trung thống nhất, kiện toàn bộ máy, triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới

22/12/2017

     Ngày 21/12/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

     Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, năm 2017, Tổng cục Môi trường đã chủ động khắc phục khó khăn, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Hoạt động xử lý các vụ việc, sự cố môi trường được triển khai có hiệu quả, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống tổ chức của Tổng cục được rà soát, đề xuất kiện toàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Tổng cục đã chủ động phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ nhằm giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, vướng mắc về cơ chế, chính sách… “Thời gian tới, Tổng cục Môi trường hy vọng, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để Tổng cục ngày càng hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững đất nước”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội nghị

 

Một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT năm 2017

     Đối với công tác xây dựng văn bản pháp luật về môi trường, năm 2017, Tổng cục đã ban hành 1 Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; 2 Quyết định được Thủ tướng Chính phủ ban hành; 1 Thông tư được Bộ trưởng ban hành… Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg, Tổng cục tập trung xây dựng: Đề án, đề xuất sửa đổi, nội dung Luật BVMT và Luật khác có liên quan đến BVMT; rà soát hệ thống 44 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, thông qua ý kiến của chuyên gia đã xác định được 24 quy chuẩn cần sửa đổi, trong đó có 17 quy chuẩn cần ưu tiên sửa đổi. Tổng cục cũng đã tổ chức 3 Hội nghị tập huấn triển khai Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; 33 Hội nghị phổ biến pháp luật về BVMT cho hơn 3.100 cán bộ, doanh nghiệp… 

     Cùng với đó, Tổng cục tiến hành thanh, kiểm tra 439 cơ sở trên địa bàn 21 tỉnh/TP; ban hành 107 kết luận thanh tra; 104 Quyết định về xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt trên 17.846 triệu đồng. Đồng thời, Tổng cục đã triển khai 3 cuộc kiểm tra đột xuất với 5 cơ sở (Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal (KCN Lai Vu, xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh…). Về xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, Tổng cục đã phối hợp với Bộ, ngành, địa phương tổ chức các Đoàn thanh, kiểm tra, xử lý hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường. Thành lập và duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án Nhà máy giấy Lee &Man Việt Nam; tổ chức thanh, kiểm tra Dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh; giám sát tình hình khắc phục lỗi vi phạm và cho phép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm…

     Công tác kiểm soát các dự án nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường cũng được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 400/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg; 209/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Đối với các khu vực tập trung nhiều nguồn thải lớn, hiện có 9 KCN hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nâng tỷ lệ các KCN có hệ thống xử lý nước thải đạt 78% (so với 75% năm 2016); 33 KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động (đạt 41% so với 29% năm 2016). Đặc biệt, Tổng cục tích cực đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM); lồng ghép nội dung xử lý triệt để một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm hoàn thành và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017-2020.

     Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục đã xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về Tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng; thiết lập đường dây nóng cấp Trung ương. Đồng thời, phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, TP công khai thông tin đường dây nóng cấp địa phương trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục. Kết quả, tính đến cuối tháng 12/2017, đã tiếp nhận 206 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường, trong đó, đã xử lý 50 vụ, 156 vụ việc đang được xử lý.

     Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) đạt được những kết quả nhất định: Xây dựng Chương trình hành động của Bộ TN&MT thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; triển khai Dự án Xây dựng hành lang ĐDSH kết nối các hệ sinh thái khu vực trung Trường Sơn tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di sản ASEAN cho VQG Bidoup Núi Bà; cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ trao bằng công nhận Khu di sản ASEAN cho VQG Bái Tử Long nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế ĐDSH 2017; hoàn thiện hồ sơ đề cử khu Ramsar U Minh Hạ; xây dựng dự thảo mạng lưới các khu Ramsar ở Việt Nam nhằm tăng cường cơ sở chia sẻ thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý Khu Ramsar…

     Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về BVMT được duy trì thông qua Hội thảo, Khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức về BVMT; Thường xuyên rà soát, tổng hợp và chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT trên các phương tiện truyền thông được xã hội quan tâm…

Tập trung mọi nguồn lực, triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong năm 2018

     Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018, Tổng cục Môi trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ; Hoàn thiện Đề án Đề xuất sử đổi, bổ sung Luật BVMT và Luật khác có liên quan đến BVMT; Đẩy mạnh công tác tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT; Kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Tổng cục; Thực hiện công tác bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí, điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị mới thành lập và thành lập lại; Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020; Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường; Xây dựng phương án bảo đảm kinh phí cho BVMT....

     Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về BVMT, Tổng cục Môi trường kiến nghị lãnh đạo Bộ: Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc triển khai nhiệm vụ của Tổng cục; Tạo cơ chế, chính sách và đầu tư cho đội ngũ cán bộ môi trường đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Tổng cục với các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành có liên quan; Tăng nguồn lực, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ BVMT hàng năm; Bố trí kinh phí cho Tổng cục triển khai có hiệu quả Đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường.

     Tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe báo cáo tham luận và tham gia đóng góp ý kiến về một số vấn đề như: Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực môi trường; Kiểm soát các vấn đề nóng về môi trường được dư luận xã hội quan tâm…

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tổng cục Môi trường đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017 và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:

     Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT và tổ chức triển khai các quy định pháp luật trên thực tế, xử lý dứt điểm các văn bản còn tồn đọng; đặc biệt là khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định sửa đổi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế của Bộ đề xuất, sửa đổi Luật BVMT năm 2014 và các Luật có liên quan đối với nội dung về BVMT.

     Thứ hai, đổi mới chỉ đạo, điều hành, tạo được sự đoàn kết, nhất trí, hiệp đồng phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc trong Tổng cục, giữa Tổng cục với các đơn vị trong Bộ cũng như các Bộ, ngành và địa phương. Tiếp tục rà soát trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các đơn vị trực thuộc.

     Thứ ba, tăng cường cải cách hành chính, hướng về địa phương và cơ sở nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hoàn thiện các quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

     Thứ tư, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong quá trình tổ chức triển khai Đoàn thanh tra, kiểm tra tại địa phương.

     Thứ năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT; Thực hiện tốt việc theo dõi, đánh giá kết quả BVMT của các địa phương trên phạm vi cả nước.

     Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể và cộng đồng vào công tác BVMT nói chung và giám sát thực thi pháp luật về BVMT nói riêng.

     Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, tham mưu đề xuất phân bổ chi ngân sách nguồn sự nghiệp môi trường trong kế hoạch ngân sách năm 2018.

     Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp thu các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tại Hội nghị để tổng hợp, bổ sung vào kế hoạch nhiệm vụ năm 2018; đồng thời, chủ động phối hợp, với các đơn vị trực thuộc Bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

 

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn