Banner trang chủ

Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường

20/04/2018

     Ngày 19/4/2018, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN) tổ chức Tọa đàm "Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác BVMT”, nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động, doanh nghiệp trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu dùng bền vững, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

     Tham dự Tọa đàm có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT Nguyễn Thế Đồng; Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, TLĐLĐVN Đỗ Trần Hải; Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và lãnh đạo LĐLĐ các địa phương; Lãnh đạo Sở TN&MT địa phương các tỉnh phía Bắc; Lãnh đạo các doanh nghiệp và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

 


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, phát biểu tại buổi Tọa đàm

 

     Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, trung bình hàng năm Việt Nam có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cả nước hiện có 878 khu đô thị (KĐT); 283 khu công nghiệp (KCN); 615 cụm công nghiệp (CCN); hơn 500.000 cơ sở sản xuất; trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 5.000 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế; hơn 2 triệu ô tô; 40 triệu xe gắn máy; hơn 36 triệu gia súc, gia cầm; hơn 1 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản... Hàng ngày phát sinh khoảng hơn 3.000.000 m3 nước thải sinh hoạt, 550.000 m3 nước thải công nghiệp, 125.000 m3 nước thải y tế. Hàng năm phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt; hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp; hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại; hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam sử dụng hơn 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật, trong đó có 80% sử dụng sai mục đích, không đúng kỹ thuật, 50% - 70% không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường; phát sinh 76 triệu tấn rơm rạ, 85 - 90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 80 triệu tấn khí thải.

     Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT Nguyễn Thế Đồng cho biết, trong những năm qua, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, cũng phát sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường. “Hệ thống quy định pháp luật về BVMT của Việt Nam khá hoàn chỉnh. Chúng ta có Luật BVMT, chiến lược BVMT. Luật và các văn bản dưới Luật quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nếu xét trên bình diện chung, Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng có hệ thống pháp luật BVMT hoàn chỉnh. Luật BVMT ra đời sớm và có nhiều luật khác như Luật Đa dạng sinh học, Thuỷ sản, Tài nguyên, Môi trường Biển và hải đảo”… Song, khâu thực hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, việc tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu chất thải, bảo vệ và phát triển rừng… là những nội dung liên quan trực tiếp đến môi trường, cần có sự tham gia của các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra là “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” - Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

 

Toàn cảnh buổi Toạ đàm

 

     Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý môi trường đã tập trung thảo luận, trao đổi về các chính sách phối hợp giữa TLĐLĐVN và Bộ TN&MT; Cách thức tổ chức, khuyến khích, huy động các công đoàn cơ sở tại địa phương tham gia BVMT; Chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, quy định pháp luật về BVMT và phát triển bền vững; Giải pháp để tăng cường giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại doanh nghiệp...

     Phát biểu kết luận, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động Đỗ Trần Hải cho rằng, mặc dù thời gian qua, Tổng LĐLĐVN và Bộ TN&MT đã có nhiều nỗ lực phối hợp, giám sát, phản biện liên quan đến hoạt động BVMT nhưng việc thực hiện ở một số doanh nghiệp, địa phương hiện nay còn chưa tốt. Thông qua việc ký kết Chương trình phối hợp góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023, hai bên sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần BVMT sống Xanh - Sạch - Đẹp, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác BVMT. Đặc biệt, năm 2018, hai bên sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn và xét tặng Giải thưởng “Công nhân lao động vì môi trường” toàn quốc, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2018. Hoạt động này sẽ được duy trì hàng năm, nhằm tôn vinh những đóng góp, cống hiến của đội ngũ công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp trong các hoạt động giám sát, bảo vệ TN&MT.

 

Phạm Văn Ngọc


 

Ý kiến của bạn