Banner trang chủ

Tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý và bảo tồn các khu Đất ngập nước

04/10/2018

     Ngày 3 - 4/10/2018, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo tập huấn về quản lý và bảo tồn các khu Đất ngập nước (ĐNN). Tham dự Hội thảo tập huấn có Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Hoàng Thị Thanh Nhàn cùng với giảng viên là các GS.TS đến từ trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long và đông đảo cán bộ các Cục, Vụ , Viện có liên quan…

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Phát biểu khai mạc Hội thảo Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, Việt Nam có diện tích khoảng 12 triệu ha ĐNN, với 27 kiểu ĐNN nước khác nhau từ ĐNN trên núi, đến ĐNN ven biển, đảo. Các vùng ĐNN Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là môi trường sinh sống của nhiều loài thực vật, đặc biệt là các loài chim nước… Bên cạnh những lợi ích mà các khu ĐNN mang lại, công tác quản lý bảo tồn các khu ĐNN đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ tự nhiên và con người… Trước những thách thức trên, trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Bảo tồn các khu ĐNN quan trọng và sinh cảnh liên kết” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, được sự chỉ đạo của Tổng cục Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã xây dựng nội dung tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý và bảo tồn ĐNN cấp Trung ương. Nội dung tập huấn sẽ mang lại những kiến thức, kỹ năng hữu ích cho cán bộ bảo tồn ĐNN.

    Tại Hội thảo tập huấn, các chuyên đề về Tổng quan ĐNN; Quản lý và sử dụng khôn khéo ĐNN trên thế giới; Quản lý ĐNN tại Việt Nam; Công ước Ramsar và tình hình thực hiện tại Việt Nam; Quản lý ĐNN trong bối cảnh BĐKH... với nội dung chủ yếu về nhận diện những thách thức trong quản lý ĐNN Việt Nam được các đại biểu thảo luận sôi nổi, đồng thời, đưa ra những giải pháp quản lý ĐNN bền vững như: Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý ĐNN; Áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý ĐNN; Huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội hóa công tác bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN; Cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan...

 

Châu Loan 

Ý kiến của bạn