Banner trang chủ

Tăng cường quan hệ đối tác để bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam

22/06/2017

     Ngày 21/6/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn đề xuất Dự án Tăng cường quan hệ đối tác để bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).

     Việt Nam là một quốc gia có sự đa dạng về hệ sinh thái, loài và nguồn gen, đặc biệt là các loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm và đặc hữu. Nguồn tài nguyên quý giá này hiện đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nạn khai thác, săn bắt, buôn bán tiêu thụ trái phép đang là một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lợi nhuận từ hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD rất cao, thị trường và nhu cầu sử dụng ĐVHD vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng, các hình thức buôn bán, tiêu thụ ngày càng tinh vi là căn nguyên đẩy nhiều loài bị tuyệt chủng.

 

 

     Để bảo vệ các loài nguy cấp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật, cụ thể như Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên và ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các loài hoang dã đã có những nỗ lực đáng kể. Nhiều chương trình bảo tồn loài đã được triển khai, các vụ việc buôn bán ĐVHD được phát hiện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều thách thức, hạn chế về quản lý và bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, thể hiện ở việc thiếu đồng bộ trong chính sách và pháp luật về bảo tồn; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham gia còn chồng chéo; cơ chế điều phối, phối hợp chưa hiệu quả; nhận thức về bảo vệ loài nguy cấp còn chưa đầy đủ; thực thi pháp luật về bảo vệ loài hoang dã chưa đạt kết quả như mong đợi.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mục tiêu, các hợp phần và hoạt động dự kiến của Dự án, trong đó nhấn mạnh đến việc làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng Bộ, ngành liên quan (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công An, Tổng cục Hải quan…) trong triển khai thực hiện Dự án. Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất cho rằng cần phải tăng cường mối quan hệ đối tác và nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi, giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã nguy cấp cho các nhóm đối tượng (cộng đồng, thanh niên, học sinh…) nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn ĐDSH.

 

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn