Banner trang chủ

Tăng cường quản lý tài nguyên, thúc đẩy bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

24/10/2017

     ​Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23/10/2017.

      Trong 9 tháng đầu năm 2017, điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

      Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ưu tiên các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế; Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; Trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện Phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, cĐề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và Đề án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến năm 2020. Bên cạnh đó, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN; Thực hiện tổng kiểm kê nguồn lực quốc gia; Quyết liệt xử lý 12 dự án, DN yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu; Chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục rà soát, chấn chỉnh trong toàn bộ hệ thống DNNN… Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản; Ban hành và triển khai nhiều Đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ; Khuyến khích đổi mới, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển các ngành chế biến, chế tạo… Qua thực tiễn chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm, việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 - 2015 (33,6%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9/2017 đạt 53,3 điểm, cao nhất trong ASEAN”.

     Đề cập đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Thủ tướng ghi nhận công tác tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản, trong đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 96,3%; Thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Chỉ đạo quyết liệt xử lý tình trạng khai thác đá, cát sỏi, chặt phá rừng trái phép; Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh trồng rừng.

 

Toàn cảnh Phiên khai mạc (Ảnh: Quốc Khánh)

 

     Cả nước cũng đã kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, kiên quyết dừng chủ trương đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao; Kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường; Sản xuất kinh doanh, khai thác thủy sản, du lịch, đời sống người dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã ổn định và phát triển trở lại; Nhà máy Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, được kiểm soát chặt chẽ về môi trường.

     Thủ tướng đánh giá cao việc Tổ chức Hội nghị và ban hành Nghị quyết của Chính phủ với nhiều giải pháp cấp bách, chiến lược về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng BĐKH; Tăng cường hợp tác quốc tế về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên quốc gia và ứng phó BĐKH.

     Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong lĩnh vực TN&MT như: Tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; Công tác quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên nước còn lãng phí, bất cập; Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng; Việc giám sát, thực thi pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế; Chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý rác thải ở nông thôn, làng nghề, lưu vực sông; Tình trạng ngập, úng tại một số thành phố lớn; Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất cũng như đời sống người dân…

     Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần chủ động ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, BVMT và tăng cường quản lý tài nguyên.

 

Đoàn Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Phiên khai mạc kỳ họp (Ảnh: Quốc Khánh)

 

     Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, quản lý chặt chẽ đất đai, nhất là đất nông, lâm trường, bảo đảm hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí; Hoàn thiện, trình Quốc hội Dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật BVMT (sửa đổi); Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; Điều tra, quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên nước; Hợp tác quốc tế, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

     Kiên quyết ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, đá, cát sỏi trái phép; Tiếp tục thực hiện chương trình điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Rà soát, hoàn thiện và thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, pháp luật về đê điều.

     Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và đóng cửa rừng tự nhiên; Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp.

     Cùng với đó, cải thiện chất lượng môi trường và xử lý ô nhiễm, đặc biệt là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung ở nông thôn, các lưu vực sông, hồ, vùng ven biển, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng; Xử lý hiệu quả rác thải nông thôn; Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm soát việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.

     Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; Quy hoạch tổng thể, xây dựng mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia; Ứng phó hiệu quả với BĐKH, thực hiện tăng trưởng xanh và cam kết COP-21; Triển khai đồng bộ các giải pháp Chính phủ đã có Nghị quyết để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng BĐKH…

     Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2017 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Chính phủ trân trọng đề nghị và mong nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và đồng bào, cử tri cả nước - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Hồng Nhự (Theo Báo TN&MT)

Ý kiến của bạn