Banner trang chủ

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh tài nguyên nước

27/02/2020

     Ngày 26/2/2020, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội về vấn đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghiệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Kinh tế; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TN&MT…

     Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước mặt khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam khoảng 1.940 - 1.960 mm (tương đương tổng lượng nước khoảng 640 tỷ m3 nước/năm), thuộc số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, tài nguyên nước của Việt Nam phân bố không đều cả về không gian, thời gian. Tổng lượng dòng chảy năm tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa và dài khoảng khoảng 3 đến 5 tháng, các tháng mùa khô lượng nước chỉ chiếm từ 20 - 30%. Về nguồn nước ngầm, Việt Nam có tổng trữ lượng nước ngầm khoảng 172,6 triệu m3/ngày, đêm, song cũng đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, mực nước ngầm bị hạ thấp sâu, liên tục theo thời gian. Việc khai thác nước tập trung quy mô lớn tại các khu đô thị lớn, ngoài việc dẫn đến hạ thấp mực nước sâu còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm nhập mặt, ô nhiễm nguồn nước…

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

     Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu thảm họa thiên tai lớn nhất khu vực Đông Nam Á - Thái Bình  Dương. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng… dẫn tới việc xả nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật ra môi trường, đã và đang tác động, gây sức ép cho nguồn nước tại các dòng sông, suối, tầng chứa nước, nhất là các nguồn nước phục vụ sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn nước, cấp nước an toàn đang đặt ra những thách thức lớn.

     Báo cáo cũng chỉ rõ 5 thách thức đối với an ninh nguồn nước, gồm: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên nước; BĐKH đã và đang tác động rất lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam; quản trị nước. Nguyên nhân của thực trạng này là do các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; cơ chế hợp tác, giải quyết vấn đề nước xuyên biên giới còn nhiều thách thức; sự phối hợp giữa các cấp, ngành vẫn còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ...

     Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đề xuất một số giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách về quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó cần bổ sung quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước. Mặt khác, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

     Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về an ninh nguồn nước với các giải pháp đồng bộ từ chính sách, đến thực hiện, trong đó yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý nguồn nước, sử dụng nước và cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, các Bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp; giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.

     Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, giải pháp trước mắt là phải nâng cao nhận thức của người dân, kêu gọi người dân sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm. Về hệ thống pháp lý, hiện đã có 4 Luật quản lý nguồn tài nguyên này, trong đó có Luật Tài nguyên nước năm 2012, tuy nhiên thực tế cho thấy tình trạng thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, do đó, phải tiến hành rà soát, làm rõ lý do tại sao cơ sở pháp lý đã có nhưng thực tế thực hiện lại không hiệu quả?

     Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, phải lựa chọn giải pháp hợp lý, vừa có tầm nhìn, vừa có mục tiêu đối với vấn đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn trong thời gian tới. Đồng thời, phải đặt ra quan điểm lấy nguồn nước nội sinh là chính, giảm bớt sự phụ thuộc từ bên ngoài, đồng thời xây dựng các kịch bản để không bị động. Để làm được việc này, đầu tiên phải cứu những dòng sông bị ô nhiễm, hạn chế thực trạng lấp ao, hồ tự phát, tạo sự liên thông giữa hệ thống hồ đập trong nước. Cùng với đó, phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo dựng được những ranh giới đỏ dựa trên các thông lệ quốc tế.

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn