Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã

15/09/2015

     ​​Ngày 23/4/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã (ĐVHD), nhằm đánh giá tác động, các kết quả đầu ra, bài kinh nghiệm từ quá trình triển khai Dự án.      Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã kéo theo nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng có giá trị cao, bao gồm cả các sản phẩm được sản xuất từ ĐVHD. Dưới áp lực của thị trường và nhu cầu tiêu thụ cũng như nhận thức hạn chế của người tiêu dùng, việc khai thác và buôn bán bất hợp pháp ĐVHD đã trở nên phổ biến và đây chính là nguyên nhân làm suy giảm nhanh chóng các quần thể của nhiều loài động, thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp như tê giác, voi châu Á, hổ Đông Dương, gấu, một số loài linh trưởng... Để ứng phó với vấn nạn này, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, thể chế quốc tế và khu vực, tiêu biểu như Dự án Tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài ĐVHD do Bộ TN&MT triển khai từ năm 2012 - 2015 do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ thông qua WB, nhằm tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH thông qua giảm thiểu tiêu thụ trái phép các loài ĐVHD ở Việt Nam.     Toàn cảnh Hội thảo        Sau 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Hỗ trợ thiết thực cho công tác xây dựng và thực thi chính sách, quy định pháp luật về quản lý các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ở Việt Nam; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về bảo tồn ĐDSH, bảo vệ ĐVHD thông qua các diễn đàn, chương trình truyền thông. Ngoài ra, Dự án đã tiến hành các nghiên cứu, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Đặc biệt, một trong những tác động quan trọng của Dự án là tăng cường mối quan hệ đối tác giữa các Bộ, ngành, các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, khu vực tư nhân, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng về giảm tiêu thụ ĐVHD trái phép. Thông qua phương pháp tiếp cận đa phương mà Dự án đã thử nghiệm, một số đối tác quan trọng đã và đang tích cực đưa vấn đề bảo tồn ĐDSH vào lĩnh vực quản lý của ngành và thúc đẩy những biến chuyển tích cực.      Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, Dự án nên tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách văn bản pháp luật, cụ thể hóa các văn bản để việc triển khai thuận lợi, hiệu quả. Đồng thời, cần có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và các tầng lớp trong xã hội, khởi đầu từ nhận thức đến hành động.   An Vi
Ý kiến của bạn