Banner trang chủ

Tìm giải pháp hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt

09/05/2019

     Chiều ngày 8/5/2019, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Hội thảo do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì. Cùng tham dự có đại diện các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế; một số viện, cơ quan nghiên cứu và trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; doanh nghiệp, cơ sở xử lý CTRSH.

     Theo Báo cáo của Sở TN&MT các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, lượng CTRSH phát sinh tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85 %; tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 55%. Công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải ở xa khu dân cư nên chi phí vận chuyển cao. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển. Phương pháp xử lý CTR sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp, nhưng chỉ khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt CTRSH (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã). Việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn. Vì vậy, vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý CTR ở Việt Nam hiện nay là lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với thực tế.

     Đại diện Bộ KH&CN, ông Đinh Nam Vinh - Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ chia sẻ, năm 2014, Bộ KH&CN đã có Báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp, đánh giá các công nghệ xử lý CTR đang áp dụng và đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong đó, nêu rõ 3 công nghệ xử lý CTR Việt Nam đang áp dụng phổ biến hiện nay, bao gồm: Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ và công nghệ đốt (đốt thông thường, đốt có thu hồi nhiệt). Ngoài ra, một số dự án đang áp dụng công nghệ mới như công nghệ xử lý CTR tạo khí biogas phát điện; công nghệ khí hóa CTR phát điện; công nghệ tạo viên đốt làm nguyên liệu, công nghệ đốt phát điện... Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiến hành đánh giá một số công nghệ xử lý CTR nhập khẩu và phát triển trong nước; Rà soát tính hiệu quả, phù hợp với thực tế của các công nghệ có khả năng nhân rộng trong xử lý CTR tại Việt Nam, trong đó có điện rác; phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ liên quan, địa phương và doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý trong nước, thí điểm mô hình xử lý CTR phù hợp với điều kiện Việt Nam theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Sau khi các nhà máy điện rác được đưa vào vận hành chính thức và phát điện hòa lưới, Bộ KH&CN sẽ tổng hợp, đánh giá lại công nghệ của một số dự án, xác định định mức phát điện cũng như tính hiệu quả của các công nghệ.

     Tại Hội thảo, một số mô hình công nghệ xử lý CTRSH đang áp dụng hiệu quả tại các địa phương hiện nay đã được giới thiệu như: Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt phát điện; xử lý CTRSH thành phân vi sinh; bằng phương pháp chôn lấp; điện khí hóa và đốt rác thông thường. Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm; trao đổi, thảo luận về những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải trong công tác quản lý CTRSH, bao gồm việc giảm thiểu phát sinh, phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý và việc lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý phù hợp; phân tích các ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế của các mô hình công nghệ xử lý CTRSH; đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý CTRSH trong thời gian tới.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Trong số các mô hình xử lý rác thải nêu trên, Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện Cần Thơ tại ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, tỉnh Cần Thơ do Công ty TNHH Everbright International (Trung Quốc) đầu tư, khởi công từ tháng 6/2017 được các đại biểu quan tâm và đánh giá cao. Đây là Dự án sử dụng kỹ thuật đốt rác phát điện để xử lý rác thải sinh hoạt, với công suất xử lý 400 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 8MW, dự kiến nối lưới khoảng 5,5 - 6 MW. Cùng với đó là công nghệ chuyển hóa CTR thành điện do Công ty TNHH Thủy lực - Máy nghiên cứu đầu tư, sử dụng khí tổng hợp syngas để chạy động cơ đốt trong phát điện. Công nghệ đã thí điểm tại Nhà máy Cơ khí chế tạo thiết bị môi trường, Đồng Văn, tỉnh Hà Nam với công suất 20 tấn/ngày và tại bãi rác Gò Cát, TP. Hồ Chí Minh , công suất 50 tấn/ngày; Dự án Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình do Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là công nghệ tích hợp 3 công nghệ thông thường, nhằm thu hồi vật liệu có thể tái chế, tạo khí phát điện, sản xuất phân hữu cơ, xử lý được CTRSH (công suất 245 tấn/ngày) và chất thải nông nghiệp (công suất 76 tấn/ngày). Hiện Công ty đã lắp đặt 1 máy phát điện từ khí biogas, công suất 1,5 MW cho dây chuyền xử lý CTR sinh hoạt và 1 máy phát công suất 1 MW từ dây chuyền xử lý CTR nông nghiệp.

     Tuy nhiên, theo các đại biểu, công nghệ xử lý CTR phát điện trong nước chưa thể làm chủ và nhân rộng được, bởi tổng mức đầu tư khá cao so với các công nghệ xử lý CTR khác; chưa có ưu đãi đối với giá xử lý CTR và cơ chế hỗ trợ chưa phù hợp... Bên cạnh đó, hầu hết công nghệ xử lý CTRSH nhập khẩu không phù hợp với thực tế CTR ở Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn; nhiệt trị của CTRSH thấp, độ ẩm không khí cao; thiết bị, công nghệ xử lý CTR trong nước chưa đồng bộ, hiện đại, mức độ tự động hóa của hệ thống thiết bị trong dây chuyền công nghệ chưa cao, chưa được sản xuất ở quy mô công nghiệp…

     Để lựa chọn các mô hình/công nghệ xử lý CTR phù hợp, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá, dự báo về tình hình phát sinh, quản lý CTR cho các vùng/miền/địa phương; sớm hoàn thiện cơ chế tài chính trong quản lý CTR nhằm huy động sự tham gia của tư nhân. Ở các TP lớn, nên tăng dần mức phí, áp dụng cơ chế ưu đãi trong xử lý CTR phát điện; phát triển ngành công nghiệp tái chế, đẩy mạnh tái chế phân vi sinh ứng dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý CTR làm cơ sở để hoạch định chính sách và chiến lược, quy hoạch về quản lý CTR.

     Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo Tổng cục Môi trường tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý của các đại biểu và khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về CTR, trình Chính phủ; phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh thuộc Trung ương tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá công tác quản lý CTR trên phạm vi toàn quốc để có cơ sở đưa ra những định hướng mới cho công tác quản lý CTRSH. Mặt khác, nghiên cứu, xây dựng dự thảo các tiêu chí lựa chọn công nghệ và danh mục các công nghệ xử lý CTRSH khuyến cáo để các địa phương tham khảo, áp dụng…

     Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp, nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để thuê tư vấn quốc tế lập quy hoạch BVMT và quá trình tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung về quy hoạch quản lý CTR, bảo đảm xây dựng quy hoạch chất lượng, đạt yêu cầu, chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, các Bộ liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT; các địa phương cần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019, nhằm tìm ra giải pháp hợp lý, góp phần tăng cường hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước.

 

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn