Banner trang chủ

Phát huy hiệu quả của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

26/04/2017

     Ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực BVMT nhằm thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, đảm bảo tính răn đe, cụ thể, chi tiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Để Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh trong chấp hành các quy định pháp luật về BVMT, ngày 25/4, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định trên.

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017 là công cụ hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Nghị định gồm 4 chương và 63 Điều, với nhiều đ iểm mới, đảm bảo phù hợp với Luật BVMT, Luật Xử lý VPHC và Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; đặc biệt quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT nhằm mục đích tránh chồng chéo trong quá trình triển khai thanh tra, kiểm tra các cơ sở. Đồng thời, khung và mức phạt đã được chi tiết hóa, đảm bảo công bằng trong quá trình xử phạt; việc phân định thẩm quyền xử phạt của các lực lượng đảm bảo đúng pháp luật, rõ ràng, cụ thể và theo đúng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan. Bên cạnh đó, một số hành vi VPHC trước đây không xử lý được do không có chế tài xử phạt nay đã được cụ thể hóa tronng Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.

 

Hội nghị phổ biến Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT

 

     Tại Hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý VPHC về BVMT tại địa phương; đồng thời giải đáp những vướng mắc và đề xuất, kiến nghị để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về môi trường. Theo đó, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được ban hành đã kịp thời lấp đầy những khoảng trống pháp luật giữa Nghị định 179/2013/NĐ-CP và Luật BVMT năm 2014, thể hiện mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nghị định đã quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với hành vi không lập Bản kế hoạch BVMT, bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo, mức xử phạt tăng đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường từ 10 - 50% của khung phạt; kết quả quan trắc tự động được sử dụng làm căn cứ để xác định hành vi xả thải vượt QCVN. Việc xác định ngưỡng vượt quy chuẩn có tính đến sai số phân tích và chi tiết khung phạt theo quy mô xả thải để đảm bảo công khi xử phạt, đồng thời, Nghị định cũng quy định Danh mục các thông số môi trường nguy hại trong nước thải và khí thải. Việc phân định thẩm quyền xử phạt của các lực lượng đảm bảo đúng pháp luật, rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP vẫn còn một số nội dung bỏ trống, chưa xem xét xử phạt VPHC như: Hành vi không thực hiện giám sát môi trường đầy đủ trong trường hợp phải thực hiện giám sát môi trường trong kế hoạch BVMT, đề án BVMT thuộc thẩm quyền xác nhận của UBND cấp huyện. Nghị định quy định một số thủ tục đình chỉ hoạt động có thời hạn cần phải tổ chức niêm phong, đánh giá, mở niêm phong sau khi đã khắc phục, nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện; công tác đài tạo, phổ biến…

     Để tăng tính khả thi của các quy định trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, đảm bảo Nghị định phát huy hiệu quả, trước hết, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định 155/2016/NĐ-CP tới cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về sự cần thiết phải tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT; đồng thời, cần quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng như nhà vệ sinh, phòng hút thuốc, thùng rác, lắp đặt hệ thống camera… nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhu cầu của người dân và kiểm soát người vi phạm. Ngoài ra, cần huy động sự vào cuộc, giám sát của chính người dân; vận động nhân dân tham gia quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm xả rác không đúng nơi quy định gửi tới các cơ quan chức năng, từ đó có thể “phạt nguội”. Việc tăng mức xử phạt để răn đe là cần thiết nhưng chưa đủ. Quan trọng là phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành. Mỗi cấp, ngành phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ cá nhân thực thi; xác định những vi phạm điển hình để tập trung xử phạt, sau đó công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục và vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành.

 

Phương Linh

 

 

 

Ý kiến của bạn