Banner trang chủ

Huy động các nguồn lực đầu tư dự án cải tạo, phục hồi môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

29/11/2017

     Ngày 28/11/2017, tại Nam Định, Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Nhuệ - sông Đáy đã tổ chức Hội nghị lần thứ 9 của Ủy ban nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Nhuệ - sông Đáy (Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy) năm 2017 và kế hoạch triển khai Đề án năm 2018.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

 

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy cho biết, LVS Nhuệ - sông Đáy chảy qua địa phận của 5 tỉnh, TP bao gồm: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình có diện tích 7.665 km2, chiếm 10% diện tích toàn LVS Hồng. Năm 2017 đánh dấu quá trình 9 năm triển khai Đề án với nhiệm kỳ của Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy do tỉnh Nam Định chủ trì, đây là thời điểm quan trọng để đánh giá lại kết quả đã đạt được, phân tích những khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ và xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trong giai đoạn tiếp theo. Với sự chung sức phối hợp giữa các Bộ, ngành và 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định và Ninh Bình, việc triển khai Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả nhất định như: nhận thức của các địa phương về trách nhiệm BVMT trên toàn lưu vực được nâng lên; việc triển khai Đề án tại các địa phương đã có hiệu quả; tình hình ô nhiễm môi trường LVS có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả giám sát chất lượng môi trường nước LVS Nhuệ - Đáy cho thấy, chất lượng nước sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội đã được cải thiện, sông Đáy không có sự thay đổi về chất lượng. Tuy nhiên, nhiều đoạn sông vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, một số điểm giữa sông Đáy bị ô nhiễm cục bộ.

Toàn cảnh Hội nghị 


     Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về Báo cáo triển khai Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy (2016 - 2017), làm rõ nguyên nhân, bất cập đang tồn tại và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Đề án trong năm 2018. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2017, Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện các nội dung của Kế hoạch BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020. Các tỉnh đã triển khai gần 70 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT trong lưu vực với kinh phí hàng chục tỷ đồng như: Dự án trồng rừng đầu nguồn LVS Nhuệ - sông Đáy tại Hòa Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của Hà Nam, Ninh Bình và TP. Hà Nội; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho bệnh viện các tỉnh, TP trên lưu vực; Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (TP. Hà Nội), công suất 270.000 m³/ngày… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như: Các thành viên Ủy ban hoạt động kiêm nhiệm, sự phối hợp chưa được chặt chẽ; thiếu những đề xuất cụ thể, đặc biệt là các vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh; không có cơ chế đặc thù về tài chính, quy định về việc tổ chức thực hiện nên chưa tạo được cơ chế đột phá để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện; công tác thống kê, điều tra nguồn thải chưa được thực hiện thường xuyên ở cấp địa phương; ý thức chấp hành pháp luật BVMT của các đơn vị sản xuất, kinh doanh (hầu hết là các đơn vị nhỏ lẻ, các hộ gia đình trong làng nghề) còn kém; tình hình vi phạm pháp luật về BVMT trên LVS vẫn còn xảy ra nhiều nơi, nhiều cơ sở. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), trong giai đoạn 2016 - 2017, lực lượng cảnh sát môi trường đã khám phá, xử lý 243 vụ việc vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT với tổng số tiền phạt: 6.824.650.000 đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm pháp luật BVMT chủ yếu vẫn là xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường, thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung trong cam kết BVMT, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn, khai thác cát trái phép trên sông. 
     Đánh giá cao việc triển khai Đề án của các tỉnh, TP trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, 5 tỉnh, TP đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu của Đề án nói riêng và công tác BVMT nói chung. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương trên lưu vực cần có những hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ của Đề án. Cụ thể, các Bộ, ngành cần tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên lưu vực trong quá trình triển khai Đề án, đặc biệt trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động các nguồn lực, tăng cường công tác xã hội hóa để triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường nước các dòng sông, kênh, rạch thuộc sông Nhuệ - sông Đáy đang bị ô nhiễm, suy thoái. Các tỉnh, TP trên lưu vực cần khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch, bố trí kinh phí thỏa đáng, kêu gọi các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, KCN/CCN; tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh như các chương trình liên tịch về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng, chương trình phối hợp nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác cát, sỏi. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên LVS Nhuệ - sông Đáy; tăng cường đầu tư mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn, đặc biệt các trạm quan trắc môi trường nước tự động; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc Quyết định số 64/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Mỗi địa phương tùy vị trí trên lưu vực và nguồn lực của mình lựa chọn những nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên thực sự cụ thể và cấp thiết để triển khai, nhất là quan trắc môi trường nước, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải, tập trung giải quyết vấn đề xử lý nước thải môi trường làng nghề, cụm công nghiệp, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các ngành nghề có sử dụng hóa chất gây nguy hiểm cho con người và môi trường.

Giáng Hương 

Ý kiến của bạn