Banner trang chủ

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

08/10/2019

     Để đóng góp cho công tác sửa đổi, bổ sung Luật BVMT năm 2014, ngày 7/10/2019, tại Cần Thơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức hợp tác Phát triển Đức ̣(GIZ) phối hợp tổ chức Hội thảo Hoàn thiện chính sách pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam.

     Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH, đặc biệt là khu vực duyên hải và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo các kịch bản BĐKH, mực nước biển dự kiến sẽ tang lên 1 m vào cuối thế kỷ (tức là bao phủ 40% diện tích ĐBSCL và 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh. Trước những tác động của BĐKH với đời sống, kinh tế - xã hội, Việt Nam đã bàn hành nhiều chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về ứng phó với BBDKH, đặc biệt Luật BVMT năm 2014 đã dành hẳn 1 chương, với 24 khoản, thuộc 10 Điều để luật hóa vấn đề này. Luật BVMT năm 2014 đã đưa ra các quy định phổ quát về công tác quản lý ứng phó với BĐKH như lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý phát thải khí nhà kính; quản lý các chất làm suy giảm tầng ô - zôn; phát triển năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BVMT, trong đó có nội dung ứng phó với BĐKH cho thấy, hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó với BĐKH cần được tiếp tục phát triển, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn về BĐKH ở Trung ương và địa phương, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH mà Việt Nam đã tham gia.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 đưa việc sửa đổi Luật BVMT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Bộ TN&MT được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Một trong những nội dung trọng tâm là nhóm chính sách liên quan đến BĐKH, trong đó lồng ghép NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) vào khung pháp lý quốc gia về BĐKH và tạo tính liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về ứng phó với BĐKH, thúc đẩy kinh doanh tín chỉ cácbon; tăng cường liên kết vùng ứng phó BĐKH… Qua đó, cung cấp các thông tin đầu vào hữu ích, đóng góp cho việc sửa đổi Luật BVMT, để Luật BVMT thực sự đi vào cuộc sống. Cụ thể, Luật BVMT sửa đổi cần phải tích hợp 3 trụ cột: BVMT, ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững trong các chính sách, luật, chiến lược của Việt Nam nhằm tăng cường hoạt động ứng phó với BĐKH, góp phần BVMT và phát triển bền vững; tích hợp, lồng ghép BĐKH trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như quy hoạch; xây dựng các mô hình tích hợp sống chung với lũ lụt, hạn hán và BĐKH; tăng cường phối hợp và liên kết vùng; thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH; đảm bảo sự tương thích, hội tụ các nội dung trong hệ thống văn bản, chính sách pháp luật có liên quan đến ứng phó với BĐKH…

 

Phương Linh


 

 

Ý kiến của bạn