Banner trang chủ

Hiểu đúng để hành động đúng về ô nhiễm không khí

12/10/2019

     Vừa qua, tình trạng ô nhiễm không khí (ÔNKK) tại Hà Nội đã được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí và người dân để hiểu đúng về diễn biến ÔNKK trong thời gian qua, Sở TN&MT TP. Hà Nội phối hợp với Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng tổ chức Hội thảo “Hiểu đúng về ÔNKK tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân”.

     Phát biểu tại Hội thảo, GS. Hoàng Xuân Cơ - Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết về nguồn gây ÔNKK tại Hà Nội thời gian qua, đó chính là do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội diễn ra trên địa bàn TP, mỗi người dân trên TP đều có thể là những tác nhân gây ÔNKK. Ví dụ, mỗi một kWh điện chúng ta sử dụng hàng ngày trong các hộ gia đình cũng sẽ phát thải các chất ô nhiễm, trong đó có PM2.5, SO­2; Hoặc chúng ta sử dụng các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô hàng ngày; hoặc hoạt động xây dựng cũng góp phần gây ÔNKK… Về nguyên lý, có mối quan hệ tương quan giữa những bất lợi gây ra bởi quá trình phát triển,khi GDP đầu người tăng thì dẫn đến bất lợi về môi trường tăng. Chúng ta phát triển, bắt buộc phải đánh đổi, nhưng đánh đổi ở mức độ chấp nhận được”. Theo GS. Hoàng Xuân Cơ, thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp như không quy hoạch các nhà máy phát thải lớn như nhiệt điện, xi măng gần các thành phố lớn; loại bỏ xăng pha chì; nâng cao tiêu chuẩn phát thải của phương tiện giao thông; hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí còn hạn chế như mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, mạng lưới kiểm kê phát thải, phải có chính sách để kiểm soát được phát thải, quản lý chất lượng không khí, giảm thiểu ÔNKK.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Để giải đáp những băn khoăn của công chúng và người dân vềcác thông tin liên quan đến ÔNKK có thể lấy từ đâu, TS. Hà Đăng Sơn, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện  chúng ta có rất nhiều nguồn thông tin tiếp cận về ÔNKK như trang thông tin của Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc(CEM)của Tổng cục Môi trường; Chi cục BVMT Hà Nội;Airnet; AirVisual; Pam Air; AirNow (Đại sứ quán Mỹ)… Tuy nhiên,do có quá nhiều nguồn thông tin, thời gian cập nhật thông tin khác nhau, thiếu sự so sánh giữa các đơn vị đo khác nhau, dẫn đến số liệu không đồng nhất, người dân“bị ngợp” thông tin.Ngoài ra, còn có sự khác biệt lớn giữa các thiết bị quan trắc. Chúng ta không biết các thiết bị quan trắc đó có được hiệu chỉnh, hiệu chuẩn hay không, sử dụng phương pháp đo nào…, vì thế, nên độ chính xác của các thông tin số liệu về chất lượng không khí cũng khác nhau. Để có được thông tin quan trắc chính xác phải tiến hành rất nhiều hoạt động như phân tích tổng hợp, thu thập thông tin thì chúng ta mới có được thông tin mang tính chất đầy đủ, minh bạch. Những thiết bị cảm biến giá rẻ đương nhiên không thể cho ta được góc nhìn đầy đủ về tất cả các thông số ÔNKK. Do đó, người sử dụng thông tin cần phải là “người tiêu dùng thông thái” khi theo dõi, trích dẫn thông tin liên quan đến ÔNKK để việc phản ánh nồng độ, xu hướng bụi mịn chính xác hơn, tránh gây hoang mang dư luận.

     Trao đổi về ảnh hưởng của ÔNKK đối với sức khỏe con người,TS. Ki Dong Park - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ÔNKK và bụi mịn PM2.5, hoặc bụi có kích cỡ nhỏ hơn làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn, đột quỵ, đau tim, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi và ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản. WHO ước tính, ÔNKK trên toàn cầu là nguyên nhân gây ra khoảng 29% ca tử vong do ung thư phổi, 24% tử vong do đột quỵ, 25% do đau tim, 43% tử vong do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Đặc biệt, những người bị ảnh hưởng nhất bởi ÔNKK là trẻ em, phụ nữ và công nhân làm việc ngoài trời. ÔNKK chính là “kẻ giết người vô hình”, ÔNKK ảnh hưởng đến tất cả các vùng trên toàn cầu, tuy nhiên, người dân ở các nước có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nhất. WHO đánh giá, 97%người sống ở các thành phố có thu nhập thấp hoặc thành phố có thu nhập trung bình, với thành phố hơn 1.000 dân không đáp ứng được khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí. Tuy nhiên, với các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này giảm xuống 49%. WHO ước tính, năm 2016, toàn cầu có khoảng 7.000.000 ca tử vong do ung thư phổi, đột quỵ và các bệnh tim mạch gây ra bởi ÔNKK. Tại Việt Nam, có khoảng 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính đều có liên quan đến ÔNKK trong năm 2016.

 

Một phần khói từ những vụ đốt rơm rạ này bay vào nội thành, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

 

     Chia sẻ về những giải pháp mà TP. Hà Nội đã và đang triển khai nhằm cải thiện chất lượng không khí, Chi cục phó Chi cục BVMT Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, từ năm 2012, Hà Nội đã xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nói chung và không khí nói riêng. Từ cuối năm 2016, Hà Nội đã rà soát lại mạng lưới quan trắc chất lượng không khí. Được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như AirParis (Pháp), TP đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư lắp đặt được 10 trạm quan trắc môi trường không khí tại Hà Nội, trong đó có 2 trạm cố định đặt tại Chi cục BVMT Hà Nội, 1 trạm tại Minh Khai (Từ Liêm) và 8 trạm censor cảm biến. Hiện tại,10 trạm này đang hoạt động ổn định và truyền dữ liệu về trung tâm điều hành ở Chi cục BVMT, các thông số đó được thu thập, cập nhật hàng ngàyvà công bố trên cổng thông tin điện tử của TP. Hà Nội, cũng như của Sở TN&MT. Ngoài ra, theo lộ trình, TP đang thực hiện Dự án xây dựng hệ thống trạm quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó, 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và 1 xe quan trắc lưu động). Dự án đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua và được bố trí ngân sách để thực hiện, đến cuối năm 2020, các trạm quan trắc này sẽ được lắp đặt và đi vào hoạt động. Mặt khác, trong những năm qua, Hà Nội cũng đã tập trung vào cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là công tác quét rác, hút bụi trên các tuyến đường tại TP, giúp giảm lượng bụi trên đường; tăng cường công tác thu gom chất thải sinh hoạt. Tại các khu xử lý chất thải rắn, TP cũng đầu tư những công nghệ hiện đại để xử lý rác, đầu tư 1 nhà máy đốt rác phát điện; đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, lắp đặt các máy nghiền và tái chế rác thải xây dựng. Đồng thời, TP cũng tập trung xử lý ô nhiễm tại các ao, hồ; triển khai Chương trình thay bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, lộ trình đến 31/12/2020, không còn tình trạng bếp than tổ ong. Cùng với đó, TP đã hoàn thành kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung thêm 600 cây nữa trong giai đoạn 2019 - 2020; tổ chức tuyên truyền cho người dân không đốt rơm rạ, mà sử dụng rơm rạ để trồng nấm; ban hành quy định giám sát việc thực hiện che chắn các công trình xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử phạt các xe chở vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải gây ô nhiễm môi trường…

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nguyên nhân dẫn đến ÔNKK ở Hà Nội; cách hiểu đúng về chỉ số chất lượng không khí (AQI), PM2.5; tác động của ÔNKK tới sức khỏe con người; các hoạt động giảm thiểu ÔNKK của TP. Hà Nội… Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội. Theo đó, ÔNKK không phải là vấn đề một sớm, một chiều có thể giải quyết được, mà giống như câu chuyện biến đổi khí hậu cần phải có thời gian để nghiên cứu xu hướng, phân tích nguyên nhân. Trước mắt, Hà Nội cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường hệ thống giao thông công cộng; Thiết lập hệ thống kiểm tra khí thải của các xe máy; Đưa việc đốt rác vào xem xét, đánh giá các tiêu chí trong nông thôn mới; Tăng cường các xe rửa đường; Tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng không khí; Chủ động cung cấp công khai thông tin về ÔNKK cho người dân; Đẩy mạnh cơ chế hợp tác đa ngành (năng lượng, giao thông vận tải, môi trường, nông nghiệp…); Tăng cường hoạt động phối hợp liên tỉnh trong việc giải quyết vấn đề ÔNKK; Huy động cộng đồng tham gia vào hoạt động làm sạch không khí.

     Có thể nói, vấn đề ÔNKK là trách nhiệm không chỉ của một ngành TN&MT, mà còn liên quan đến nhiều ngành khác như giao thông vận tải, công thương, xây dựng… Vì thế, cần sự vào cuộc của các cấp,ngành của thành phố để cùng giải quyết bài toán ÔNKK trên địa bàn TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, người dân cũng cần đồng loạt tham gia vào các giải pháp của thành phố như ngừng đốt than tổ ong, sử dụng tiết kiệm điện... Sự kiện thông tin về ÔNKK được công bố trên ứng dụng AirVisual trong những ngày gần đây chính là “cú hích” để chính quyền, cũng như người dân toàn TP đồng lòng, nhất trí BVMT không khí, vì chính sức khỏe của mình và gia đình.

 

Giáng Hương

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn