Banner trang chủ

Giảm thiểu chất thải nhựa vào đại dương: Mô hình giáo dục tại các trường học

20/08/2019

     Ngày 19/8/2019, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Hội Địa lý toàn cầu phối hợp với UBND tỉnh, Hội Khoa học Gặp Gỡ Việt Nam và Trường Đại học Loyola (Mỹ) tổ chức Hội thảo tập huấn với chủ đề: “Giảm thiểu chất thải nhựa vào đại dương: Mô hình giáo dục cho các nhà giáo dục”.

     Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu; Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam - GS Trần Thanh Vân cùng một số nhà khoa học và kinh tế môi trường đến từ Mỹ;100 giáo viên, cán bộ đoàn, cán bộ quản lý của 20 trường THPT đóng trên địa bàn TP. Quy Nhơn và 4 huyện ven biển gồm: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

 

     Hội thảo diễn ra từ ngày 18 - 20/8 với những bài giảng của các giáo sư Việt Nam và Mỹ xoay quanh nội dung về: Khoa học môi trường và phát triển bền vững; tác động của con người đến môi trường; ô nhiễm chất thải nhựa, ảnh hưởng của ô nhiễm chất thải nhựa đến môi trường/hệ sinh thái và phát triển kinh tế; tái sử dụng chất thải nhựa; chính sách về quản lý ô nhiễm môi trường ở Việt Nam; tầm quan trọng của giáo dục đối với BVMT… Các thầy cô giáo sau khi lĩnh hội kiến thức sẽ xen lồng vào những bài giảng trên lớp, giúp học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức về tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa. 

     Theo thống kê của các tổ chức khoa học và kinh tế quốc tế, Việt Nam là một trong 5 quốc gia phát thải rác thải nhựa vào môi trường đại dương nhiều nhất. Từ quan sát thực tế, khả năng hiểu biết về môi trường và hệ sinh thái của người dân Việt Nam hiện đang còn nhiều hạn chế. Sự hiểu biết chưa đầy đủ này dẫn đến tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường xung quanh. Qua cơ sở thực tế, nhóm các nhà khoa học và kinh tế môi trường của các trường đại học Mỹ phối hợp với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tại Quy Nhơn thực hiện Đề án có tiêu đề “Giảm thiểu rác thải nhựa vào đại dương qua phương thức giáo dục ở Việt Nam”. Bình Định là tỉnh được Ban Tổ chức lựa chọn làm mô hình thí nghiệm. Chương trình được tài trợ bởi Hội Địa lý toàn cầu và Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam.

     Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân hoan nghênh việc Bình Định đăng cai tổ chức và trở thành tỉnh thí điểm thực hiện mô hình giáo dục giảm thiểu rác thải nhựa vào đại dương, đồng thời hy vọng, mô hình sẽ được ứng dụng cho các tỉnh, thành khác trong tương lai.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

     Để phong trào chống rác thải nhựa tiếp tục lan tỏa sâu rộng, đi vào thực chất, mang lại hiệu quả, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân quốc tế hỗ trợ tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và năng lực giáo dục BVMT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; phối hợp với tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Cùng với đó, tăng cường hợp tác, tạo sức lan tỏa, nhân rộng mô hình đến các địa phương khác của Việt Nam, phối hợp với các tổ chức quốc tế chung tay hành động chống rác thải nhựa vì sự phát triển thịnh vượng chung của nhân loại và các quốc gia trên thế giới.

     Thứ trưởng cũng đề nghị, Sở TN&MT tỉnh Bình Định tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT phát động phong trào chống rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy, sử dụng một lần trong hệ thống các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của Sở GD&ĐT. Ngoài ra, phát động và chỉ đạo thực hiện các phong trào xây dựng mô hình tiên tiến, điển hình về BVMT. Thứ trưởng kêu gọi, ngay đầu năm học mới này, các cơ sở giáo dục của tỉnh hãy hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy…

 

Bảo Bình

Ý kiến của bạn