Banner trang chủ

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

26/06/2018

     Ngày 25/6/2018, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) tại TP. Đà Nẵng, tiếp tục diễn ra Phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 và 15 sự kiện song song bên lề. Đây là cuộc họp Hội đồng cuối cùng trong chu kỳ thứ 6 của GEF, là cơ hội để Đại hội đồng cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong 4 năm qua (2014 - 2018); đồng thời, triển khai chương trình hành động cho 4 năm tới (2018 - 2022).

 

Phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 tại TP. Đà Nẵng, ngày 25/6/2018

 

     Phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 24/6 - 26/6/2018 do Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF Naoko Ishii chủ trì, với mục đích cập nhật các chính sách đồng tài trợ; tăng cường sự hợp tác của GEF; tận dụng lợi ích môi trường toàn cầu thông qua đổi mới công nghệ sạch và kinh doanh trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; an ninh môi trường; thỏa thuận thực hiện chương trình tài trợ nhỏ cho GEF chu kỳ 7 và các thỏa thuận thực hiện Chương trình hỗ trợ quốc gia cho GEF chu kỳ 7…

 

Diễn đàn giảm chặt phá rừng từ chuỗi cung cấp hàng hóa - Từ cam kết đến hành động, kinh nghiệm từ GEF GGP

 

     Tại Phiên họp và các sự kiện bên lề, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chủ đề như kinh tế tuần hoàn; huy động để đầu tư nhân rộng lợi ích môi trường toàn cầu; các cách tiếp cận tổng hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên; giảm chặt phá rừng; bảo tồn tích hợp trong đa dạng sinh học; khu công nghiệp sinh thái; xây dựng khả năng chống chịu của đất khô cằn; các vấn đề chính sách về hóa chất và chất thải; các chương trình tài trợ nhỏ...

     Trong đó, “lợi ích môi trường toàn cầu: Kinh tế tuần hoàn có thể làm được gì?” là một trong những Hội thảo quan trọng trong chuỗi các sự kiện song song bên lề của Phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54. Hội thảo do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chủ trì. Phát biểu tại Hội thảo, ông Stephan Sicars, Giám đốc bộ phận Môi trường của UNIDO cho rằng, kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế tái sử dụng, tái chế các chất thải để chúng một lần nữa được tham gia vào quá trình sản xuất, giúp giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động đến môi trường và giúp tăng trưởng GDP. UNIDO xúc tiến thực hành kinh tế tuần hoàn và cung cấp các dịch vụ hướng đến chu trình khép kín dành cho sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm đã qua sử dụng - từ khâu khai thác nguyên liệu thô, đến sản xuất, phân phối, sử dụng, quản lý chất thải cho đến khâu thải bỏ cuối cùng, nhằm đảm bảo các tài nguyên được sử dụng liên tục tuần hoàn là kết quả của các hoạt động sáng tạo. 

 

Hội thảo Lợi ích môi trường toàn cầu: Kinh tế tuần hoàn có thể làm được gì?

 

     Chiều ngày 25/6/2018, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chủ trì Diễn đàn giảm chặt phá rừng từ chuỗi cung cấp hàng hóa - Từ cam kết đến hành động, kinh nghiệm từ GEF GGP. Chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) đã được vào Chương trình nghị sự thế kỷ tại COP Pari. Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, đưa ra các cam kết trong việc giảm chặt phá rừng từ chuỗi cung cấp hàng hóa. 

     Trong khuôn khổ GEF6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam: Ý tưởng khu công nghiệp sinh thái (KCNST). Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả của Dự án Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam (do GEF, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO tài trợ); đồng thời, đưa ra các kinh nghiệm triển khai các mô hình phát triển KCNST trên thế giới do GEF, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO tài trợ. KCNST là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

 

Phương Linh

 

     Trong buổi kiểm tra các hoạt động đón tiếp, chuẩn bị sự kiện tổ chức phục vụ GEF6, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chia sẻ với báo chí về các hoạt động của Việt Nam trong sự kiện có tính chất toàn cầu này. Theo Thứ trưởng, Việt Nam đăng cai chủ trì tổ chức Kỳ họp GEF 6 thể hiện sự tích cực của Việt Nam trong việc tham gia các vấn đề toàn cầu như BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Thông qua Kỳ họp, Việt Nam thúc đẩy các mối quan hệ song phương, đa phương để tìm kiếm các cơ hội hợp tác; tiếp nhận các sự hỗ trợ, tăng cường năng lực, tài chính trong các vấn BVMT, ứng phó với BĐKH.

     Những ngày qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và UBND TP. Đà Nẵng thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo, trọng thị trong công tác nội dung, hậu cần, khánh tiết, y tế đảm bảo an ninh, an toàn để Kỳ họp diễn ra thành công. Trong 3 ngày tới, Việt Nam sẽ tổ chức 3 sự kiện quan trọng đưa ra các sáng kiến của Việt Nam tại 3 hội thảo bên lề với chủ đề về rác thải nhựa trên biển, bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp phát triển du lịch bền vững và thành tựu của GEF tại Việt Nam.

 

Ý kiến của bạn