Banner trang chủ

Cần có những hành động cụ thể, quyết liệt trong công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải trên lưu vực sông Cầu

04/11/2017

     Ngày 3/11/2017, tại Hải Dương, Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu đã tổ chức Phiên họp lần thứ 13 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu (Đề án BVMT LVS Cầu) năm 2017 và kế hoạch triển khai Đề án năm 2018. Tham dự và chủ trì Phiên họp có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ tịch Uỷ ban BVMT LVS Cầu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường và lãnh đạo các tỉnh trong LVS Cầu, cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ tịch Uỷ ban BVMT LVS Cầu phát biểu tại Phiên họp

 

      Phát biểu tại Phiên họp, thay mặt Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường nhấn mạnh, năm 2017 đánh dấu quá trình 11 năm (2006  -  2017) triển khai Đề án BVMT LVS Cầu với 4 nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu luân phiên (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh). Đây là thời điểm quan trọng để đánh giá lại kết quả đã đạt được, phân tích những khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp triển khai Đề án trong giai đoạn tới. Qua 11 năm thực hiện, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương cùng với nỗ lực của 6 tỉnh trên lưu vực, công tác BVMT LVS nói chung và việc triển khai Đề án nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kế hoạch thực hiện Đề án được các tỉnh ban hành và triển khai rộng rãi; nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm BVMT đã được nâng lên rõ rệt; tình hình ô nhiễm môi trường nước từng bước được cải thiện; một số vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng đã được quan tâm, phối hợp giải quyết có hiệu quả.

     Các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động kiểm soát ô nhiễm và giám sát môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên LVS thuộc địa phận tỉnh mình, đồng thời, thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường sông Cầu với tổng số tiền đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía Nam TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên); Dự án nạo vét, cải tạo sông Phan (Vĩnh Phúc); Dự án nạo vét, khắc phục ô nhiễm môi trường kênh T6 (Bắc Giang); Dự án nạo vét và cải tạo dòng chảy hệ thống thủy nông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh)... Một số địa phương đã chủ động đề xuất các vấn đề môi trường cấp bách cần giải quyết liên vùng, liên tỉnh.

     Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về Báo cáo Đề án BVMT LVS Cầu tại từng địa phương, công tác phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh, liên vùng, làm rõ nguyên nhân, bất cập đang tồn tại, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thành công Đề án BVMT LVS Cầu. Theo đó, năm 2017, Ủy ban BVMT LVS Cầu đã phối hợp với Bộ TN&MT và 6 tỉnh trên lưu vực triển khai thực hiện Đề án BVMT LVS Cầu, tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm liên tỉnh; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông Cầu. Qua khảo sát cho thấy, chất lượng nước sông Cầu trong các năm gần đây (2016 - 2017) đã có xu hướng được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nước bị ô nhiễm nặng ở khu vực hạ lưu sông Cầu. Mức độ ô nhiễm cũng tăng dần từ địa bàn TP. Thái Nguyên cho đến cuối nguồn thuộc địa phận các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các tỉnh thuộc lưu vực theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg chưa đạt được mục tiêu do Đề án đề ra, mới xử lý được 43/52 cơ sở (82,7%); 6/52 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để (11,54%); theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg tại lưu vực có 18 cơ sở gây ô nhiễm môi trường phát sinh, đến nay, đã có 7 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (38,9%), 5 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để…

 

Các đại biểu tham dự Phiên họp Ủy ban BVMT LVS Cầu lần thứ 13

 

     Trong quá trình triển khai Đề án BVMT LVS Cầu, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như: Thiếu cơ chế về tài chính, quy định về việc tổ chức thực hiện Đề án nên chưa tạo được cơ chế đột phá để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện; Hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Cầu còn hạn chế, nhất là việc giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh; Quyết định của Ủy ban chỉ mang tính đồng thuận, không có tính ràng buộc pháp lý, không có nguồn lực để điều phối; Nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, BVMT ở các địa phương còn hạn chế; Năng lực quản lý môi trường các tỉnh trên LVS chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

     Kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là của các tỉnh trên VS Cầu trong tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVS Cầu năm 2017. Tuy nhiên, vấn đề BVMT LVS Cầu không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, một địa phương mà phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong LVS. Vì thế, để triển khai có hiệu quả Đề án BVMT LVS Cầu trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt trong công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải trên LVS Cầu: Tiếp tục hướng dẫn và ban hành quy định về điều tra, đánh giá sức chịu tải của LVS, xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông, hướng dẫn diều tra thống kê nguồn nước thải trên LVS; quản lý và chia sẻ thông tin về các nguồn thải chính trên LVS Cầu; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên LVS, nhất là các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200 m³/ngày, đêm trở lên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật BVMT; Xây dựng cơ chế cụ thể về phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên tỉnh, đặc biệt là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Các địa phương cần tập trung lựa chọn những nhiệm vụ, hoạt động cấp thiết, đưa vào chương trình năm 2018; đầu tư hệ thống quan trắc tự động và yêu cầu các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn 1.000 m³/ngày, đêm phải lắp đặt quan trắc tự động liên tục, truyền số liệu về cơ quan quản lý nhà nước để giám sát; kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài không đầu tư xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho công tác BVMT; tăng cường giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng về BVMT LVS Cầu.

 

Giáng Hương

 

 

Ý kiến của bạn