Banner trang chủ

Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Đoàn cán bộ cấp cao của Thụy Điển

07/03/2018

     Ngày 6/3/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Đoàn cán bộ cấp cao của Thụy Điển nhân dịp tham dự Tuần lễ Nước năm 2018 tại Việt Nam.

     Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT); Đại sứ về Biến đổi khí hậu của Vương quốc Thụy Điển Lars Ronnas; Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg; Cục trưởng Cục Quản lý nước và biển Thụy Điển Jakob Granit cùng một số chuyên gia lĩnh vực tài nguyên nước, biến đổi khí hậu và biển.

     Trao đổi với Đoàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự quan tâm, ủng hộ của Chính Phủ Thụy Điển đối với Việt Nam nói chung, ngành TN&MT nói riêng. Từ khi thành lập Bộ TN&MT đến nay, nhờ sự giúp đỡ tích cực của Thụy Điển, đặc biệt là lĩnh vực quản lý đất đai và BVMT, Bộ TN&MT đã có được nền tảng vững chắc và mới đây nhất là sự phối hợp giữa hai bên để chuẩn bị, tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Nước 2018 được tổ chức tại Hà Nội.  Đồng thời, mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác của Thụy Điển trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, cụ thể là môi trường, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường biển, quản lý nước và các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động BVMT, thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các hoạt động thực Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Pari về BĐKH tại Việt Nam.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm 8% lượng khí nhà kính đến năm 2030. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để Việt Nam hoàn thành mục tiêu, thậm chí là cao hơn cam kết đã đề ra, góp phần cùng thế giới nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng hy vọng Chính phủ Thụy Điển sẽ hỗ trợ Việt Nam về kinh nghiệm, thể chế, pháp lý, pháp luật để khi tham gia Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới, Việt Nam có thể đạt được các yêu cầu phù hợp được nội luật hóa, gắn với việc cải cách, tái cơ cấu, ứng phó với các biến đổi và thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0...

     Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, hiện nguồn nước ở Việt Nam có tới 60% được bắt nguồn từ nước ngoài và đang bị khai thác nhiều, do đó, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá, điều tra, quy hoạch tài nguyên nước là rất quan trọng. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc 60% vào biển, vì vậy, để quản lý tốt TN&MT biển, hải đảo Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ của những nước phát triển có kinh nghiệm như Thụy Điển.

     Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Biến đổi khí hậu của Thụy Điển Lars Ronnas cho biết, Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới với khả năng quản lý, bảo vệ nguồn nước sạch, bờ biển, đại dương... Hiện Thụy Điển đang có chương trình về phục hồi lại các nguồn nước, trong đó có những hoạt động về làm sạch các đập thuỷ điện, bảo vệ các nguồn nước đầu nguồn làm thuỷ điện để làm vùng đệm cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đang tập trung phát triển mô hình kinh tế xanh, trong đó bao gồm các hoạt động về năng lượng, bảo vệ sinh thái, giám sát, phòng thủ, đánh bắt cá, khai thác biển và quy hoạch về không gian biển…Vì thế, Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam trên những lĩnh vực tương đồng.  

     Thế giới đang chuyển đổi mô hình kinh tế sang phát thải thấp, kinh tế xanh, nhất là sau Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu. Do đó, Đại sứ Lars Ronnas nhấn mạnh, Hội nghị COP sắp tới là cơ hội để các nước họp bàn, đưa ra các phương án giải quyết phù hợp và cũng là thời điểm quan trọng để các bên chứng minh được sự hợp tác đa phương góp phần quan trọng vào sự thành công của Thoả thuận Pari.

     Hoan nghênh đề xuất của phía Thụy Điển về ký kết Ý định thư hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị sau cuộc họp này, các đối tác Thụy Điển và các đơn vị liên quan thuộc Bộ sẽ trao đổi kỹ về nội dung hợp tác trong buổi làm việc tại Bộ. Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn trong năm 2018 hai Bên sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực TN&MT, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển được tổ chức vào năm 2019.

 

Phạm Văn Ngọc (Theo Monre)

Ý kiến của bạn