Banner trang chủ

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh từ thực tiễn

22/07/2020

    Nhằm cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tin báo chí về kết quả công tác nổi bật 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ TN&MT, ngày 20/7, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp báo thường kỳ. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

    Tại buổi họp báo, Bộ TN&MT đã thông tin về kết quả công tác nổi bật 6 tháng đầu năm; chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ TN&MT; Công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) hiện nay; Diễn biến khí tượng thủy văn 6 tháng đầu năm 2020 và nhận định xu thế tình hình khí tượng thủy văn thời gian tới; Cảnh báo sớm và chủ động công tác điều tiết nguồn nước cấp cho hạ du dòng chính trên các lưu vực sông trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.

 

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp báo

 

    Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan thông tấn báo chí trong 6 tháng đầu năm đã tập trung tuyên truyền với dấu ấn đậm nét về nhiều chủ đề, nội dung liên quan công tác quản lý nhà nước như: Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi); Chính sách quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Diễn biến khí tượng thủy văn; Các điểm nóng về môi trường, đất đai... Thứ trưởng cho biết, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ TN&MT đã có những đề xuất kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội như: Hoàn thiện thể chế, đổi mới, cải thiện đầu tư; ban hành các chính sách về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường; khuyến nghị các địa phương chủ động ứng phó trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ khó khăn để kiến tạo, tăng trưởng bứt phá. Các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển.

   Trong công tác cải cách hành chính, Bộ đã cắt giảm trên 40% TTHC, thay đổi phương thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đến nay, đã thực hiện đơn giản hóa 80,1% TTHC, bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, qua đó, góp phần tiết kiệm được 1.047 tỷ đồng/năm.

    Đối với lĩnh vực môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đã cung cấp cho các cơ quan thông tấn báo chí về công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường tại các khu DTSQ hiện nay. Việt Nam có 9 khu DTSQ được Chương trình con người và sinh quyển thế giới công nhận gồm: rừng ngập mặn Cần Giờ, Quần đảo Cát Bà, châu thổ sông Hồng, ven biển và biển đảo Kiên Giang, miền tây Nghệ An, Mũi Cà Mau, Cù Lao Chàm - Hội An, Đồng Nai, Lang Biang. Công tác quản lý bảo tồn trong vùng lõi của khu DTSQ có nhiều thuận lợi vì Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật khá đồng bộ. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là hiện nay là thực thể “Khu DTSQ” không được đề cập trong những chính sách quan trọng như là một thể thống nhất và vì thế cũng không được quản lý một cách chính thống của hệ thống cơ quan quản lý của Việt Nam, mà chỉ được đề cập như là một hợp phần của khu DTSQ là vùng lõi (VQG/KBT). Hiện tại, khái niệm khu DTSQ vẫn còn chưa có trong hệ thống quy phạm pháp luật quản lý quốc gia hiện hành. Đồng thời, vẫn chưa có chính sách quản lý thống nhất đối với khu DTSQ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức, hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định quản lý dành riêng cho các khu DTSQ. Nguồn kinh phí hoạt động, vận hành các khu DTSQ cũng chưa có quy định cụ thể. Trên cơ sở tồn tại nêu trên, một số đề xuất nhằm tăng cường công tác quản lý các khu DTSQ của Việt Nam như: Kiện toàn công tác quản lý các khu DTST; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan; Xây dựng Chiến lược phát triển các khu DTSQ; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các khu DTSQ; Chú trọng công tác tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức; Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu cho các khu DTSQ; Tiếp tục huy động nguồn lực, sự tham gia các tổ chức quốc tế, các dự án hỗ trợ cho các khu DTSQ.

    Về một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục tập trung: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, điểm nghẽn, những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn để tạo động lực cho phát triển; Triển khai công tác lập quy hoạch triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành để trình phê duyệt vào đầu nhiệm kỳ đảm bảo các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước; Thúc đẩy cải cách hành chính, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử và hạ tầng cho chuyển đổi số trong từng lĩnh vực; Quán triệt phương châm hướng về địa phương cơ sở, giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn với lộ trình tiệm cận với các nước tiên tiến để ban hành ngay sau khi Luật BVMT được thông qua; Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn cực đoan, nguy hiểm, phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…

 

Quang cảnh buổi họp báo

 

    Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Lấn biển Cần Giờ; thông tin về việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của cử tri, đại biểu Quốc hội về vấn đề rác thải trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi); công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Nam Sơn; việc cấp phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…

   Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, báo chí là công cụ hiệu quả góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về TN&MT, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thêm nhiều vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, đồng thời truyền tải được những thông điệp, thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực TN&MT. Thứ trưởng hy vọng, sự hợp tác, chia sẻ, trao đổi hai chiều giữa ngành TN&MT với các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường hơn nữa. Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ Thi đua khen thưởng và Tuyên truyền thu thập, ghi nhận ý kiến, câu hỏi của các phóng viên, gửi đến các đơn vị chức năng của Bộ TN&MT để giải đáp cụ thể, chính xác.

 

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn