Banner trang chủ

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016

19/07/2016

      Ngày 18/7/2016, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Linh Ngọc, Võ Tuấn Nhân; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

 


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Monre)

 

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, quán triệt chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2016, toàn ngành TN&MT đã cụ thể hóa, triển khai quyết liệt và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên tất cả các lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực; Hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, bám sát yêu cầu thực tiễn; Tổ chức bộ máy của ngành được quan tâm kiện toàn; Công tác cải cách hành chính (CCHC) có nhiều chuyển biến rõ rệt theo tinh thần công khai, minh bạch; Những vướng mắc từ thực tiễn ở địa phương trong quá trình thực thi pháp luật từng bước được tháo gỡ; Nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống người dân và môi trường từ hoạt động của doanh nghiệp (DN) đã được tập trung giải quyết kịp thời…

     Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành TN&MT, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Bộ TN&MT đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định; Ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư và 7 Thông tư liên tịch; Phát huy nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế - xã hội; Đổi mới trong công tác điều hành, tác phong, lề lối làm việc với phương châm hướng về địa phương, cơ sở, phục vụ người dân.

     Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo các vụ việc tồn đọng, kéo dài được chú trọng. Toàn ngành đã tiến hành 1.038 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hơn 3.000 tổ chức, cá nhân, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 600 tổ chức với số tiền hơn 35,5 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi 3.160 ha đất; Tiếp nhận, phân loại, xử lý gần 6.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo; Thẩm tra, xác minh 15/21 vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao và 20/30 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ; Tiếp 2.848 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu (Ảnh: Monre)

 

     Bên cạnh đó, công tác CCHC, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Bộ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, DN; Thiết lập 2 đường dây nóng và thành lập tổ công tác tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết phản ánh của người dân, DN về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TN&MT. Đồng thời, Bộ đã đi đầu trong việc chấm điểm xác định chỉ số CCHC (PAR INDEX) đối với các Tổng cục, Cục, điểm trung bình đã tăng từ 74,93/100 điểm (năm 2013) lên 81,59/100 điểm (năm 2015).

     Ngoài ra, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của ngành tiếp tục được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương; Công tác kế hoạch, tài chính và đầu tư phát triển được thực hiện theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra; Công tác khoa học và công nghệ đổi mới theo hướng gắn nghiên cứu với yêu cầu thực tiễn của ngành; Hợp tác, hội nhập quốc tế cũng được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực.

     Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về TN&MT còn tồn tại một số hạn chế nhất định: Tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chậm; Một số quy định chưa theo kịp thực tiễn, chưa bắt kịp cơ chế thị trường và yêu cầu hội nhập; Mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị còn lạc hậu; Việc thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương hạn chế; Công tác thanh, kiểm tra chưa trở thành công cụ sắc bén để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật... ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

     Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Thủ trưởng các đơn vị, từ thực tiễn công tác quản lý, thảo luận, đóng góp những ý kiến cụ thể về các vấn đề trọng tâm, làm rõ các tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất c giải pháp khắc phục, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XII; Giải quyết tốt, hài hòa giữa vấn đề quản lý, bảo vệ TN&MT cho phát triển bền vững với tăng trưởng nhanh kinh tế - xã hội.

     Các đại biểu tham dự đã thảo luận và đi đến thống nhất, thời gian tới, ngành TN&MT cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và thể chế hóa phù hợp với những nội dung đổi mới của Nghị quyết Đại hội XII; Đẩy mạnh CCHC, dịch vụ công trực tuyến đối với các lĩnh vực TN&MT, xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng minh bạch, thân thiện, phục vụ nhân dân và DN; Tăng cường đầu tư công tác điều tra cơ bản trong các lĩnh vực khoáng sản, biển và hải đảo; Đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc TN&MT; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đảm bảo tính liên kết, liên vùng, đồng bộ tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) để phát huy được nguồn lực TN&MT cho phát triển đất nước; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực TN&MT, bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời...

 

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Monre)

 

     Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, những kết quả Bộ TN&MT đạt được trong hoàn thiện chính sách, pháp luật ngành TN&MT đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tăng cường BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH. Bộ TN&MT cũng đã nỗ lực, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề nóng, cấp bách được dư luận quan tâm, tiêu biểu như việc tìm nguyên nhân và thủ phạm gây nên sự cố môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh venn biển miền Trung.

     Việt Nam đang trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phấn đấu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thoát khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Do đó, quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH ngày càng có vai trò, ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, Bộ TN&MT tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

     Một là, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật ngành TN&MT; Tập trung CCHC, cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ hiện đại, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

     Hai là, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, nhằm tái cấu trúc các ngành kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, Bộ TN&MT phải đi đầu trong các lĩnh vực như điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Xây dựng kịch bản nước biển dâng; Quy hoạch tài nguyên nước… làm nền tảng cho các ngành, các cấp xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

     Ba là, tăng cường an ninh nguồn nước, xây dựng cơ chế chính sách tiết kiệm nước; Xây dựng chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước để kiểm soát khai thác sử dụng nước trên các dòng sông, trong đó, Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ Công Thương, NN&PTNT để quản lý hoạt động thủy điện và an toàn hồ chứa, đảm bảo nước cho hạ lưu, ổn định đời sống người dân và bảo vệ hệ sinh thái của các dòng sông.

     Bốn là, chú trọng công tác BVMT, kiểm soát các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ có xả thải ra môi trường, từ khâu lập đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đến khi công trình hoạt động, chỉ cấp phép khi có chất thải được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT… Trước mắt, Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành và các nhà khoa học, chuyên gia để giám sát thực hiện cam kết của Công ty Formosa Hà Tĩnh, đánh giá và công bố an toàn môi trường biển để người dân sớm ổn định sinh hoạt cũng như sản xuất.

     Năm là, tập trung rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ các thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam, không nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tránh để Việt Nam trở thành bãi thải công nghiệp thế giới; Các công nghệ phải theo hướng tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ phát triển bền vững.

     Sáu là, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Đổi mới phương thức truyền thông, thông tin để người dân tiếp cận thông tin dự báo sớm; Xây dựng hạ tầng không gian dữ liệu địa lý quốc gia, nâng cao hiệu quả công tác viễn thám; Tổ chức thi hành và hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

     Bảy là, đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giải quyết các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đất đai; Xử lý nghiêm các hoạt động khai thác trái phép và hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản.

     Tám là, rà soát lại các dự án lớn có xả thải ra sông, biển và các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Đầu tư hệ thống quan trắc môi trường ở các điểm xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nối mạng về Sở TN&MT địa phương để kiểm soát thường xuyên sau khi xử lý.

     Chín là, có các giải pháp nâng cao tiềm lực ngành TN&MT như đầu tư thiết bị công nghệ cao, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành và chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ khoa học công nghệ …

     Mười là, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là trong ứng phó BĐKH, tăng trưởng xanh, tìm kiếm, điều tra khoáng sản sâu trong đất liền và ngoài biển; Hợp tác dự báo, cảnh báo, xử lý sự cố thiên tai; Bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới…

     Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, những chỉ đạo của Phó Thủ tướng sẽ được đưa vào Chương trình hành động của Bộ và cụ thể hóa đối với từng lĩnh vực trong triển khai, nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với BVMT. Đồng thời mong muốn, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ để ngành TN&MT ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững đất nước.

 

Hồng Nhự

Ý kiến của bạn