Banner trang chủ

Bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện và khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp lý

21/06/2017

     Nhằm cung cấp thông tin về một số vấn đề trong lĩnh vực TN&MT được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri cả nước quan tâm trong thời gian qua, chiều ngày 20/6/2017, Bộ TN&MT phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo đối thoại “BVMT trong các dự án nhiệt điện và công tác quy hoạch sử dụng biển trong giai đoạn hiện nay”. Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa cùng các ĐBQH của 63 tỉnh, TP.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo

 

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thời gian qua, lĩnh vực TN&MT đã nhận được sự quan tâm của các ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước. Hội thảo này là dịp để các ĐBQH cập nhật các thông tin mang tính thời sự liên quan đến lĩnh vực TN&MT, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: thực trạng và giải pháp để BVMT trong các dự án nhiệt điện than; khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển đảo, bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo; giới thiệu khái quát Quy hoạch sử dụng tài nguyên môi trường biển. Các thông tin trên sẽ được cung cấp một cách đầy đủ, chính xác và khoa học.

     Thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã bày tỏ sự cám ơn đối với tình cảm và sự quan tâm của các vị ĐBQH, cũng như cử tri cả nước đối với ngành TN&MT trong thời gian qua.

     Đánh giá cao sáng kiến của Bộ TN&MT và Báo Đại biểu Nhân dân trong việc tổ chức Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, BVMT trong các dự án nhiệt điện và công tác quy hoạch sử dụng biển là hai vấn đề mà Quốc hội, các ĐBQH cần phải quan tâm hơn nữa. Công tác BVMT không thể tách rời với phát triển bền vững đất nước.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

 

     Tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, hiện nay, trên cả nước có 20 dự án nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với  tổng công suất 14.675 MW, tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm. Với tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành điện để đảm bảo mục tiêu phát triển, nếu không có các giải pháp BVMT quyết liệt, nghiêm túc thì Việt Nam có thể phải gánh chịu những hậu quả môi trường. Trong thời gian qua, nhiều nhà máy nhiệt điện đã có nhiều cố gắng trong việc cải tiến công nghệ, tăng cường công tác BVMT để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, vừa qua, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra công tác chấp hành pháp luật về BVMT đối với 19 nhà máy nhiệt điện và kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với 4 nhà máy nhiệt điện. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều nhà máy nhiệt điện vẫn còn những tồn tại, vi phạm trong công tác BVMT, trong đó có một số nhà máy đã xảy ra sự cố và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại...

     Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài để tăng cường công tác BVMT đối với các nhà máy nhiệt điện,  thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn môi trường đối với nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường tỷ lệ cây xanh trong các nhà máy nhiệt điện. Các nhà máy cần làm tốt việc công khai, minh bạch các thông tin về môi trường cho người dân và cộng đồng dân cư trong khu vực; tổ chức đánh giá đầy đủ về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường và giám sát môi trường; có lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp, cải tạo, nâng cấp các nhà máy có công nghệ lạc hậu, lắp đặt thiết bị xử lý khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường…

 

Từ trái qua: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học,

Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

và Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa chủ trì Hội thảo

 

     Chia sẻ thông tin về Quy hoạch sử dụng biển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Phạm Ngọc Sơn cho biết, Việt Nam có vùng biển rộng lớn, biển chứa đựng nguồn tài nguyên sinh vật, vi sinh vật và hệ sinh thái (HST) đa dạng, phong phú ví như trái tim con người. Nếu như HST biển mất đi thì biển sẽ chết và yêu cầu đặt ra là phải khai thác, sử dụng tài nguyên biển nhưng đồng thời phải BVMT HST biển. Muốn khai thác, sử dụng biển hợp lý phải xuất phát từ các tính chất đặc thù của biển, đó là: biển là không gian liên thông, có tính chất chia sẻ, trong cùng một khu vực biển có thể có nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác; biển là hệ thống tài nguyên thống nhất, trong đó có nhiều tài nguyên, có gắn bó hữu cơ với nhay, nên việc khai thác một loại, hoặc 1 nhóm loại tài nguyên này có thể ảnh hưởng, làm suy giảm tài nguyên khác. Vì vậy khi xem xét khai thác tài nguyên biển thì không thể cắt rời, chia nhỏ mà phải xem xét tổng thể. Ngoài ra, biển cũng là hệ thống đa chức năng, làm sao sử dụng chức năng của biển một cách phù hợp nhất để vừa khai thác hiệu quả tài nguyên nhưng vừa BVMT biển. Vì thế, Quy hoạch sử dụng biển là một trong những công cụ hết sức quan trọng nhằm định hướng và tổ chức không gian cho việc sử dụng các vùng biển Việt Nam. Quy hoạch sử dụng biển cũng sẽ định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển nhằm góp phần bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của HST, qua đó đảm bảo tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả, đảm bảo hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT biển và hải đảo.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài trình bày Báo cáo chuyên đề “BVMT tại các nhà máy nhiệt điện than Việt Nam”

 

     Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà mong muốn, các ĐBQH sẽ tiếp tục quan tâm đến các vấn đề của ngành TN&MT, để phản ánh kịp thời các thông tin liên quan đến lĩnh vực TN&MT tại địa phương. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định: “Tất cả các vấn đề môi trường, tiêu chí BVMT trong các nhà máy nhiệt điện phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta cương quyết trong bất cứ hoạt động nào của các nhà máy nhiệt điện, nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường thì cần phải theo dõi sát mọi diễn biến, lấy chất lượng môi trường trước khi thi công để làm cơ sở đánh giá dự án, nhà máy đó có tác động môi trường hay không. Thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét lựa chọn công nghệ hiện đại để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thân thiện với môi trường; đồng thời sẽ tính đến phương án tái chế, tái sử dụng xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu xây dựng. Bộ TN&MT và Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ lưỡng, nhất là vấn đề công nghệ, công tác BVMT trước khi tham mưu cho Chính phủ để cho phép đầu tư dự án.

 

Giáng Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn