Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển

15/09/2015

     Ngày 8/10/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo Tham vấn về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học (ĐDSH) biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia với mục đích truyền thông điệp và tham vấn về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia để có định hướng bảo tồn tài nguyên biển bền vững cho tương lai. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng tham dự và phát biểu tại Hội thảo.      Biển và đại dương đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu và các hoạt động tự nhiên của Trái đất cũng như cho cuộc sống của con người và sự phát triển của ĐDSH. 3/4 thế giới là các đại dương và 2/3 diện tích các đại dương trên thế giới là khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Đây là môi trường sống của cộng đồng các sinh vật phù du, san hô và các loài động vật di cư. Cộng đồng quốc tế đã nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH là yếu tố cơ bản để phát triển bền vững toàn cầu và hiện đang cố gắng để quản lý hiệu quả khu vực này.      Việt Nam có diện tích biển trên 1 triệu km2, gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ với trên 20 kiểu hệ sinh thái biển, là nơi cư trú của khoảng 11.000 loài, trong đó trên 2.000 loài cá, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn là các hệ sinh thái tiêu biểu của vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều khu vực biển có giá trị quốc tế là di sản thiên nhiên biển thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 2 di sản thiên nhiên thế giới, 8 khu dự trữ sinh quyển UNESCO và 6 khu Ramsar đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy thoái ĐDSH biển do các hoạt động hàng hải, tràn dầu trên biển, khai thác thủy sản tận diệt, biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng, a xít hóa địa phương, tẩy trắng san hô, do chất thải của đô thị hóa, công nghiệp hóa, sinh hoạt… Do vậy, Việt Nam cần tham gia tích cực và có đóng góp thiết thực vào quá trình thảo luận về bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia.      Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho biết, hiện nay, các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp lý quốc tế ở cấp toàn cầu và khu vực. Đặc biệt, Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là văn bản pháp lý ở cấp toàn cầu, là khuôn khổ pháp lý toàn diện đối với các đại dương của thế giới và biển, quy định quản lý sử dụng tất cả các đại dương và nguồn tài nguyên biển. Bên cạnh đó, Công ước về ĐDSH năm 1992 cũng là công cụ bổ sung hiệu quả đối với việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH biển. Công ước nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa các bên tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH hoặc trực tiếp thông qua các tổ chức quốc tế có thẩm quyền. Khuôn khổ pháp lý quốc tế đối với ĐDSH tại khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia còn ghi nhận sự điều chỉnh Công ước về bảo tồn các loài di cư của động vật hoang dã, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã và các quy định của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO).   Toàn cảnh Hội thảo        Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản, Luật điều chỉnh vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH như Luật Thủy sản, Luật BVMT, Luật ĐDSH, Luật Biển Việt Nam và các văn bản dưới Luật khác. Mặc dù đã có hệ thống văn bản pháp lý ở cấp quốc tế và quốc gia, tuy nhiên, nguồn tài nguyên ĐDSH biển tại khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia đang chịu áp lực từ tác động của con người, trong đó nảy sinh những bất hợp lý và không công bằng trong bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này. Vì vậy, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thành lập Nhóm làm việc về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH biển tại các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia theo Nghị quyết số 59/24 ngày 4/2/2005 với nhiệm vụ nghiên cứu để khuyến nghị những biện pháp, chính sách về bảo tồn và chia sẻ công bằng nguồn tài nguyên sinh vật, đặc biệt là các nguồn gen được khai thác từ vùng biển quốc tế.      Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận về: Cơ chế quản lý và khai thác tài nguyên ĐDSH biển; Nghiên cứu và sử dụng tài nguyên di truyền biển ở vùng biển sâu, xa; Khai thác và sử dụng bền vững thủy sản bền vững; Khuôn khổ pháp lý và tiến trình thảo luận tại Liên hợp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH ngoài vùng tài phán quốc gia. Các đại biểu tham dự đã thảo luận về quản lý, khai thác tài nguyên ĐDSH biển và thủy sản bền vững; Luật pháp quốc tế về bảo tồn và sử dụng tài nguyên ĐDSH.   Thu Hằng
Ý kiến của bạn