Banner trang chủ

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc công bố biển sạch rất quan trọng và cần thiết đáp ứng mong mỏi của người dân

22/08/2016

     Ngày 22/8/2016, tại TP. Đông Hà, Bộ TN&MT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức Hội nghị Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh và Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; các nhà khoa học trong cũng như ngoài nước, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT…

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

 

     Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong tháng 4 năm 2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, môi trường biển; ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là người dân ven biển 4 tỉnh miền Trung và nhân dân Quảng Trị nói riêng. Với sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các bộ ngành, các nhà khoa học và lãnh đạo của các địa phương, ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã phải thừa nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường.

      Nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trước nhân dân, Bộ TN&MT đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đơn vị khoa học công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội và các địa phương liên quan triển khai Chương trình quan trắc chất lượng môi trường biển, đồng thời tổ chức đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại 4 tỉnh miền Trung với một khối lượng công việc rất lớn. Việc triển khai được dựa trên các phương pháp đánh giá hiện đại có tính khoa học cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm độ tin cậy. Kết quả quan trắc, khảo sát, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển đã được Hội đồng do Bộ TN&MT thành lập với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực: môi trường biển, thủy văn, địa hóa, hóa học và đại diện các Bộ, ngành liên quan và một số chuyên gia trong nước và quốc tế cho ý kiến đánh giá, nhận xét góp ý.

 

Các đại biểu chủ trì Hội nghị

 

      Tôi luôn nhận thức được việc công bố biển sạch là rất quan trọng và cần thiết đáp ứng mong mỏi của người dân được biết môi trường biển đã sạch chưa? Vùng biển nào sạch? Vùng biển nào chưa sạch? Nuôi trồng hải sản được chưa? Hải sản an toàn chưa? để đảm bảo hoạt động sản xuất, đánh bắt, sinh kế trở lại bình thường. Tại Hội nghị này, Bộ TN&MT theo chức năng và nhiệm vụ được giao sẽ công bố báo cáo về đánh giá chất lượng môi trường biển trong và sau sự cố. Tôi đề nghị các Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT ngay sau Hội nghị này tiến hành các bước theo quy định công bố đầy đủ thông tin đáp ứng nguyện vọng chính đáng nêu trên của người dân - Bộ trưởng nhấn mạnh.

     GS.TS Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu, trình bày kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Theo đó, để có kết quả này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 6 phương pháp tiếp cận. Trong đó các nhà khoa học đã thực hiện quan trắc nước biển (tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy) trầm tích, màng bám keo tụ, hệ sinh thái và sinh vật biển. Nhóm đã lấy 211 điểm lấy mẫu. Về mẫu nước, có tất cả 36 tuyến khảo sát với tổng số 146 điểm lấy mẫu trên tổng chiều dài khoảng 348 km biển, trong đó 32 tuyến khảo sát ra đến độ sâu 30 m; 96 điểm quan trắc (64 điểm ven bờ cách bờ biển từ 1,5 đến 5 km, 32 điểm gần bờ cách bờ biển 10 km). Có 4 tuyến khảo sát đặc biệt ra đến độ sâu 60 m nước với tổng số 44 điểm quan trắc (8 điểm ven bờ, 36 điểm gần bờ); 6 điểm quan trắc trong các đầm phá, làng ven bờ như Tam Giang - Cầu Hai, Lập An.

     Quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển và các hệ sinh thái biển và ven biển 4 tỉnh miền Trung đã áp dụng các quy trình, phương pháp trên cơ sở khoa học, đúng theo quy định của Việt Nam và phù hợp quốc tế.

     Chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được quan trắc và giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

     Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.

      Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.

       Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ 28/4/2016 đến 8/8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy: Hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ TN&MT công bố.

     Để tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường biển, đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệhiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển. Sự tham gia của các cấp, các ngành cũng như cộng đồng dân cư trong việc giám sát các nguồn thải xả ra môi trường biển, nâng cao chất lượng môi trường cũng cần được tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển bốn tỉnh miền Trung.

 

Phạm Đình

 

 

Ý kiến của bạn