Banner trang chủ

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016: Bức tranh toàn cảnh môi trường đô thị Việt Nam

21/07/2017

     Ngày 20/7/2017, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016.

     Phát biểu khai mạc Lễ công bố, TS. Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, trong 30 năm trở lại đây, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, số lượng đô thị nước ta gia tăng nhanh chóng, mở rộng cả về quy mô và diện tích. Bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội, áp lực từ các hoạt động phát triển đã và đang gây ra sức ép không nhỏ đối với công tác BVMT đô thị, đặc biệt là tại hai TP lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Lễ công bố

 

     Trong những năm qua, công tác quản lý môi trường đô thị đã được quan tâm đẩy mạnh; các chính sách, quy định pháp luật về BVMT đô thị được hoàn thiện. Nhiều dự án, chương trình cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm đã được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thách thức trong công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm soát ô nhiễm, nhất là tại các đô thị lớn. Trong đó, nổi cộm lên một số vấn đề về môi trường đô thị như: Tình trạng ô nhiễm bụi tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh rạch nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề úng ngập tại các đô thị đang gia tăng; suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường thấp, công nghệ xử lý còn lạc hậu và chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, đã xảy ra hàng loạt sự cố môi trường, nguyên nhân chính là do công tác BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tốt. Thiệt hại từ những vụ việc, sự cố đó không chỉ về mặt kinh tế, mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế của cộng đồng dân cư.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016

 

      Tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng đã giới thiệu tóm tắt nội dung của Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016. Theo đó, với 8 Chương và 1 phụ Chương, Báo cáo đã cung cấp bức tranh tổng quan về hiện trạng môi trường đô thị trong giai đoạn 2012 - 2016. Đồng thời, trên cơ sở những định hướng, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, Báo cáo đã đưa ra nhóm giải pháp tổng thể trong công tác BVMT đô thị, bao gồm: hoàn thiện các chính sách, pháp luật về BVMT đô thị và quy hoạch đô thị gắn với phát triển bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư tài chính; kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong công tác BVMT đô thị. Để đáp ứng yêu cầu BVMT đô thị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong công tác quản lý, quy hoạch phát triển đô thị, cũng như sự chung tay, góp sức của cộng đồng trong BVMT.

 

Toàn cảnh Lễ công bố Báo cáo

 

     Báo cáo sẽ là nguồn tư liệu hữu ích, hỗ trợ các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong quá trình lập kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị gắn với BVMT, góp phần phát triển bền vững đất nước.

     Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 có 8 Chương và 1 phụ Chương, gồm: Chương 1. Tổng quan phát triển đô thị Việt Nam; Chương 2. Môi trường không khí; Chương 3. Môi trường nước; Chương 4. Môi trường đất; Chương 5. Phát sinh và xử lý chất thải rắn; Chương 6. Tác động của ô nhiễm môi trường đô thị; Chương 7. Quản lý môi trường đô thị; Chương 8. Những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và đề xuất giải pháp; Phụ chương. Sự cố môi trường nổi cộm trong năm 2016 và một số bài học kinh nghiệm.

 

Giáng Hương

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn